19/03/2024 | 17:03 GMT+7, Hà Nội

Xuất nhập khẩu: Động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế đất nước

Cập nhật lúc: 09/05/2021, 16:15

Trong 70 hình thành và phát triển của ngành Công Thương, cùng các dấu mốc lịch sử của đất nước, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế nước nhà.

Gắn chính sách với yêu cầu thực tiễn

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ở giai đoạn đầu, khi hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra trong bối cảnh đất nước chia cắt, vừa sản xuất vừa chiến đấu, các hoạt động xuất khẩu không diễn ra nhiều, các hoạt động ngoại thương chủ yếu là nhập khẩu. Trong các hoạt động nhập khẩu, việc dùng ngoại tệ của Nhà nước để trao đổi, mua bán hàng hóa rất ít.

Nhập khẩu thực chất là sự tiếp nhận viện trợ từ các nước bên ngoài, chủ yếu với mục đích tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng, duy trì và phát triển sản xuất, phục vụ chiến đấu, chi viện cho miền Nam. Giai đoạn này, hoạt động ngoại thương đã đóng góp được một phần trong việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Năm 1955, hoạt động xuất khẩu chỉ được thực hiện bó hẹp với thị trường 10 nước, đến năm 1969 đã tăng lên 30 nước.

Sau giải phóng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 của Đảng là dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới tư duy quản lý, điều hành. Ngay từ những năm đầu thực hiện “đổi mới” và “mở cửa”, nghị quyết của Đại hội Đảng đã thể hiện “xuất khẩu là mũi nhọn có ý nghĩa quyết định đối với nhiều mục tiêu kinh tế trong 5 năm này (1986 - 1990), đồng thời cũng là khâu chủ yếu của toàn bộ các quan hệ kinh tế đối ngoại”. Các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển xuất khẩu được thể hiện và cụ thể hóa tại các Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa qua từng thời kỳ.

Năm 2000, Chính phủ chủ trương dành ưu tiên cao nhất cho xuất khẩu, tăng tốc xuất khẩu trên mọi lĩnh vực.
Năm 2000, Chính phủ chủ trương dành ưu tiên cao nhất cho xuất khẩu, tăng tốc xuất khẩu trên mọi lĩnh vực. 

Cụ thể, Chỉ thị số 22/2000/CT-TTg ngày 27/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thời kỳ 2001 - 2010, đã xác định: Tiếp tục chủ trương dành ưu tiên cao nhất cho xuất khẩu, tăng tốc xuất khẩu trên mọi lĩnh vực; Tạo nguồn hàng có chất lượng, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao để xuất khẩu; Góp phần giải quyết việc làm cho xã hội, tạo nguồn dự trữ ngoại tệ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa…

Năm 2006, để chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, nhất là chuẩn bị gia nhập WTO, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 156/2006/QĐ-TTg ngày 30/6/2006 phê duyệt Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu tổng quát là phát triển xuất khẩu với tốc độ cao và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỉ trọng hàng xuất khẩu thô. Kiềm chế mức nhập siêu hợp lý, thông qua thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế so sánh để bảo đảm nhu cầu trong nước, tiến tới cân bằng xuất khẩu - nhập khẩu vào những năm đầu sau năm 2010.

Từ năm 2006 đến nay là giai đoạn Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng với sự kiện quan trọng là Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Vì thế, tiếp nối các chính sách và chiến lược ngoại thương của những giai đoạn trước, trong giai đoạn này, chúng ta có định hướng là tiếp tục khai thác lợi thế tương đối của Việt Nam cộng với những cơ hội của hội nhập để khai thác tối đa các thị trường xuất khẩu, phát triển các thị trường mới. Đặc biệt, việc gia nhập WTO cũng đòi hỏi các chính sách ngoại thương cũng như các công cụ, biện pháp được áp dụng phải phù hợp với những quy định của WTO và những cam kết của Việt Nam. Vì vậy, một trong các chức năng của chính sách ngoại thương là thực hiện các cam kết hội nhập của Việt Nam.

Ngoài ra, một định hướng quan trọng của chính sách ngoại thương, đó là xuất khẩu phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần tỉ trọng hàng xuất khẩu thô.

Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới, ngày 28/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2471/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó đã đề ra định hướng chung như sau: Phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

Kết quả tích cực

Năm năm gần đây có thể nói là giai đoạn kinh tế thế giới có nhiều biến động.  Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp, xuất nhập khẩu của nước ta đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỉ USD trong năm 2019 và đạt trên 545 tỉ USD trong năm 2020. Xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 176,6 tỉ USD năm 2016 lên 282,7 tỉ USD năm 2020. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình 11,9%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Những năm gần đây, xuất nhập khẩu của nước ta đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Những năm gần đây, xuất nhập khẩu của nước ta đạt được những kết quả hết sức tích cực. 

Quá trình hội nhập cũng được khai thác hiệu quả, gắn tăng trưởng xuất khẩu với kiểm soát có hiệu quả hoạt động nhập khẩu giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Theo Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỉ USD năm 2016; 2,1 tỉ USD năm 2017; 6,8 tỉ USD năm 2018; 10,9 tỉ USD năm 2019. Năm 2020, tiếp tục ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19 tỉ USD.

Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tăng từ 80,3% kim ngạch xuất khẩu năm 2016 lên mức 85,1% năm 2019 và 85,2% trong năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 xuống còn 1% năm 2020. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD tăng dần, từ 28 mặt hàng năm 2016 lên 31 mặt hàng năm 2020.

Đặc biệt, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do cũng đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc vào một hay một vài thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA trung bình đạt 32% - 34%/năm. Kết quả này phản ánh doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam. Hiệp định EVFTA dù mới được đưa vào thực thi từ tháng 8/2020 nhưng đã có những tín hiệu tích cực trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tính từ ngày 1/8 đến 4/4/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp hơn 127,296 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 4,78 tỉ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho gần 3.585 lô hàng với trị giá hơn 10,88 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp.

Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Năm 2020, có 31 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó, 5 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỉ USD, 8 thị trường trên 5 tỉ USD.

Nhờ những nỗ lực từ phía cả khu vực công và cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu trơng thời gian qua đã có những kết quả rực rỡ. Xuất khẩu góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, tạo hiệu ứng lan toả thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động và tạo động lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/xuat-nhap-khau-dong-luc-quan-trong-cho-tang-truong-kinh-te-dat-nuoc-55025.html?fbclid=IwAR3jM_ytYfZdkrBg54ZiglAMFmKo5ibyCHFaLcr31vEjW_viCkjFruEkK8E