19/01/2025 | 22:16 GMT+7, Hà Nội

Xuất hiện lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao \"hiếm thấy\"

Cập nhật lúc: 04/01/2022, 09:27

Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng tại ngân hàng VPBank đang có mức lãi cao hiếm thấy.

Từ ngày 18/12, ngân hàng VPBank đã công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, khi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 1 tháng sẽ được hưởng lãi suất trong khoảng 3,5%/năm đối với khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng và được hưởng lãi suất là 4%/năm với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên. Mức lãi suất này không thay đổi với biểu lãi suất trước đó.

Đối với các kỳ hạn từ 2 tháng đến 5 tháng, lãi suất tiền gửi điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm tương đương mức lãi suất từ 3,75-3,9%/năm cho các khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng, nhưng các kỳ hạn này vẫn giữ mức lãi suất 4%/năm đối với các khoản tiền gửi trên 300 triệu đồng.

Đáng chú ý lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng thì có biến động rất mạnh. Cụ thể, VPBank huy động lãi suất 9,4%/năm đối với khoản tiền dưới 300 triệu đồng và 9,8%/năm đối với khoản tiền trên 300 triệu đồng.

Tuy nhiên, cần lưu ý là mức lãi suất tiết kiệm “khủng” này chỉ áp dụng cho tháng đầu tiên, còn từ tháng thứ 2 trở đi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng đối với khoản tiền dưới 300 triệu chỉ được hưởng lãi suất là 4,7%/năm và trên 300 triệu là 4,9%/năm.

Chính sách lãi suất này cũng được áp dụng cho tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng. Tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 10%/năm cho tháng đầu tiên và tháng thứ 2 sẽ rơi xuống 5%/năm. Tiền gửi kỳ hạn từ 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng cùng có mức 10,2%/năm cho tháng đầu tiên và 5,1%/năm từ tháng tứ 2 trở đi.

Không áp dụng “chiêu” hút tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng nhưng chỉ duy trì trong đúng một tháng duy nhất như VPBank, song lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại áp dụng mức lãi suất khá hấp dẫn.

Đơn cử như tại Nam A Bank hiện có mức lãi suất là 6,03%/năm khi khách hàng gửi tiền với kỳ hạn là 12 tháng, tăng 0,2%/năm so với trước. Trong khi đó mức lãi suất từ 12 tháng đến 36 tháng tại ngân hàng SCB hiện lên tới 6,8%/năm.

Báo cáo mới nhất của SSI Research cho biết bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, trong khi mặt bằng lãi suất huy động dành cho doanh nghiệp không có nhiều biến động lớn. Cụ thể, mức tăng ghi nhận từ 0,1-0,3%, chủ yếu xảy ra ở các ngân hàng nhỏ nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác trong giai đoạn cuối năm.

Sau một thời gian dài lãi suất huy động duy trì ở mức thấp khiến lượng tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng giảm mạnh. Tính tới hết quý III/2021, số dư tiền gửi của ngân hàng An Bình chỉ có 67.053 tỉ đồng, giảm gần 5.500 tỉ đồng so với đầu năm nay. Còn nếu so với đầu năm 2020 thì lượng tiền gửi của khách hàng tại nhà băng này giảm tới 69.574 tỉ đồng.

Tương tự tại ngân hàng PGBank, theo báo cáo tài chính quý III/2021 cho thấy số dư tiền gửi khách hàng tại ngân hàng vào ngày 30/9 vừa qua cũng giảm tới hơn 1.930 tỉ đồng so với đầu năm, xuống còn 26.803 tỉ đồng.

Tại họp báo ngày 28/12 thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021, định hướng nhiệm vụ năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tín dụng thường dồn nhiều vào những ngày cuối năm, nên khả năng tín dụng năm 2021 có thể đạt xấp xỉ 14% là khả thi.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xuat-hien-lai-suat-tien-gui-tiet-kiem-cao--20201231000004938.html