23/11/2024 | 02:55 GMT+7, Hà Nội

Xuân Nhâm Dần lan tỏa trên khắp thế giới trong niềm hứng khởi

Cập nhật lúc: 01/02/2022, 18:04

Cũng giống như Việt Nam, không khí Tết cũng đã tràn ngập ở nhiều quốc gia tại châu Á. Ngay cả những nước phương Tây không có truyền thống đón ăn Tết Nguyên đán, thì đây cũng là một sự kiện được chào đón và ăn mừng!

Từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến Mỹ

Trong số các quốc gia có truyền thống Tết nguyên đán, Hàn Quốc do nằm ở múi giờ sớm là một trong những quốc gia đón năm Nhâm Dần đầu tiên trên thế giới. Trong khi người Việt Nam gọi là Tết thì người Hàn Quốc gọi lễ hội tiên của năm âm lịch này là Seollal. Tết của người Hàn Quốc thường kéo dài ba ngày: ngày trước năm mới (ngày 30), chính ngày năm mới (mùng 1) và ngày hôm sau (mùng 2).

Trong năm mới, người Hàn Quốc thường đến thăm gia đình, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, ăn các món ăn truyền thống và chơi trò chơi. Cũng như Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Á khác, trẻ em thường nhận được tiền từ người lớn trong dịp này.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã gửi lời chúc mừng trực tuyến trong đêm Giao thừa năm Nhâm Dần. Ông gửi đi thông điệp rằng biến chủng Omicron đang là trở ngại lớn và cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19.

Quốc gia láng giềng của Hàn Quốc là Nhật Bản đã bỏ truyền thống ăn Tết Nguyên đán để gộp chung với Tết Dương lịch từ năm 1873  dưới triều đại Minh Trị, song cũng có nhiều hoạt động để kỷ niệm thời khắc thiêng liêng này.

Tháp truyền hình ở thủ đô Tokyo ở Nhật Bản thắp dàn đèn màu đỏ để mừng năm mới Nhâm Dần trong đêm Giao thừa. Nhiều người dân, đặc biệt giới trẻ, cũng có các hoạt động vui chơi. Một số gia đình vẫn duy trì truyền thống đến đền chùa để cầu bình an vào đầu năm mới.

Singapore và Thái Lan cũng là những những quốc gia có truyền thống đón Tết nguyên đán đặc trưng. Người người dân tại Singapore có truyền thống đến chùa vào đầu năm mới, cũng như tổ chức những bữa tiệc đoàn viên cuối năm. Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, và Tết chính là một dịp để người ta cảm nhận rõ nhất sự đa dạng trong văn hóa của quốc gia dù nhỏ bé về mặt diện tích và dân số này.

Xuân Nhâm Dần lan tỏa trên khắp thế giới trong niềm hứng khởi
Xuân Nhâm Dần lan tỏa trên khắp thế giới trong niềm hứng khởi

Trong khi đó, người Thái Lan vốn phần lớn theo đạo Phật, nên rất coi trọng Tết âm lịch, dù rằng họ có tết cổ truyền riêng của mình với tên gọi Songkran. Các nghi lễ đến chùa cầu may, múa lân đón năm mới đang diễn ra rất rộn ràng ở xứ sở Chùa vàng.

Tất nhiên, Trung Quốc chính là quốc gia đón năm Nhâm Dần một cách “hoành tráng” nhất, đơn giản là quốc gia đông dân nhất thế giới và xem Tết Nguyên đán là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Đất nước rộng lớn này gọi Tết là Lễ hội Mùa xuân.

Dẫu vậy, đây là một cái Tết nữa mà hàng triệu người Trung Quốc không thể về quê hương đón Lễ hội Mùa xuân cùng gia đình, bởi nước này vẫn đang kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại trong chiến dịch phòng chống Covid-19. Song không thể phủ nhận, bầu không khí đón Tết tại Trung Quốc trong năm nay đã rộn ràng hơn rất nhiều so với năm Tết 2020 và 2021, khi quốc gia này gần như phong tỏa hoàn toàn đất nước để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Đón Tết xa quê hương

Bên cạnh người dân trong nước, thì kiều bào Việt Nam đang sinh sống trên thế giới, ở cả châu Âu hay châu Mỹ, cũng có những hoạt động đón khoảnh khắc thiêng liêng của mùa Xuân.

Tại Australia, nhiều kiều bào, doanh nhân và sinh viên Việt Nam đã gặp gỡ nhau trong buổi tiệc mừng Tết do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại New South Wales, Queensland và Nam Australia tổ chức vào ngày 30 tháng 1.

Tại Vương quốc Anh, một lễ kỷ niệm đón Tết gồm các trò chơi dân gian và ẩm thực truyền thống cũng diễn ra với sự tham gia của đông đảo kiều bào Việt Nam.

Một sự kiện đón Tết đã được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc tổ chức. Ở Nhật Bản, các gia đình Việt Nam không thể về quê vào dịp lễ đã cùng nhau làm những món ăn và đồ trang trí truyền thống để cùng nhau thưởng thức lễ hội.

Cộng đồng người Việt Nam ở San Jose (bang California, Mỹ) cũng đã tạo nên một không khí Tết giàu màu sắc. Không khí Tết được nhận thấy rõ ở các khu chợ của người Việt. Nhiều gia đình còn dành thời gian tự gói bánh chưng, làm nem, làm mứt, bày biện mâm ngũ quả và trang trí nhà cửa để đón Giao thừa và Xuân Nhâm Dần. Nhiều người còn lên mạng hỏi thăm địa điểm mua áo dài, mua hoa đào, hoa mai…

Rõ ràng, Xuân Nhâm Dần đã lan tỏa trên khắp thế giới một cách mạnh mẽ và nhiều hy vọng hơn sau khi đại dịch Covid-19 phần nào đã được các nước kiểm soát.

Nguồn: https://congluan.vn/xuan-nham-dan-lan-toa-tren-khap-the-gioi-trong-niem-hung-khoi-post179810.html