18/01/2025 | 12:11 GMT+7, Hà Nội

Xu hướng tiêu dùng mới mùa Covid-19: Thiết bị điện máy, gia dụng được "săn lùng"

Cập nhật lúc: 24/04/2020, 07:20

Cách ly xã hội - người dân phải ở nhà khi không có việc cần thiết; học sinh, sinh viên phải học tập trực tuyến. Điều này đã khiến nhu cầu mua sắm các thiết bị điện máy tăng đột biến trong thời gian vừa qua.

Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thị trường điện máy lại cho thấy những dấu hiệu tích cực. Các thiết bị công nghệ, điện tử, thiết bị gia dụng, thiết bị bếp... được tìm kiếm và mua sắm với số lượng lớn trong những ngày qua khi người dân phải ở nhà vì cách ly xã hội.

Học tập, làm việc online - "bùng nổ" mua sắm các thiết bị công nghệ, điện tử

Nhằm hạn chế sự lây lan và bùng phát của dịch Covid-19, trong những ngày "cách ly", phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, cơ quan, tổ chức đều đã khuyến khích nhân viên áp dụng cách làm việc từ xa, nói cách khác là họp và làm việc trực tuyến tại nhà thay vì đến văn phòng, công sở. Việc tăng cường sử dụng các công cụ trực tuyến để dạy và học cũng được áp dụng trong ngành giáo dục để giúp học sinh hạn chế gián đoạn việc học trong thời gian phải nghỉ ở nhà vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Làm việc và học tập trực tuyến là giải pháp "cứu cánh" để hạn chế tối đa sự gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Chính những điều này khiến cho nhu cầu về các thiết bị công nghệ, điện tử như máy tính, iPad, chuột, webcam tăng cao. 

Theo thống kê từ iPrice.vn, nhu cầu tìm mua mặt hàng này đã tăng đến 624% trong tháng 3. Tương tự, các thiết bị ngoại vi liên quan như bàn phím và chuột máy tính cũng lần lượt được người tiêu dùng tìm nhiều hơn trước 264% và 67%.

Theo chị Lê Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, bé lớn nhà chị đang học lớp 4 và trường cũng áp dụng dạy trực tuyến trong thời gian cách ly xã hội nên gia đình chị và nhiều phụ huynh khác đã phải đầu tư thêm iPad, bàn phím, laptop cho các con để phục vụ việc học. 

"Tôi chưa muốn cho con tiếp xúc với các thiết bị công nghệ sớm nhưng điều này là phát sinh do ảnh hưởng của dịch nên tôi đã nghiên cứu và mua thêm máy tính bảng cho con", chị Mai nói.

"Bình thường ở công ty được trang bị các các công cụ làm việc nhưng từ khi lệnh cách ly xã hội có hiệu lực, việc phải họp và làm việc từ xa khiến tôi phải đặt mua thêm các thiết bị hỗ trợ cho máy tính như chuột, webcam, kích sóng wifi... để công việc không bị gián đoạn và vẫn đạt được hiệu quả nhất định" , anh Đặng Nam (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.

Khi việc hạn chế tiếp xúc nơi đông người được coi là biện pháp phòng, chống dịch cơ bản và cần thiết thì nhu cầu sử dung các thiết bị công nghệ ứng dụng 4.0 để kết nối tăng cao trong giai đoạn này là điều tất yếu.

Ở nhà mùa dịch - các thiết bị gia dụng "lên ngôi"

Theo khảo sát của PV, ngoài mặt hàng khẩu trang và ngành hàng tiêu dùng thiết yếu thì thị trường điện máy - các thiết bị đồ gia dụng đang được nhiều người quan tâm đặc biệt.

Cụ thể, nhu cầu tìm mua các sản phẩm thiết bị cho bếp như nồi chiên không dầu, lò nướng, tủ trữ đông, máy đánh kem trứng, máy xay... tăng đột biến từ 50 - 80% (ghi nhận từ iprice.vn), đặc biệt là thời điểm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Các sản phẩm, thiết bị gia dụng cho nhà bếp được tìm kiếm, mua sắm online nhiều trong thời gian cách ly xã hội vừa qua

Điều này có thể được lý giải bởi trong thời gian thực hiện cách ly xã hội vừa qua, các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng phục vụ thức uống đều phải tạm ngừng hoạt động để tránh tụ tập nơi công cộng và hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19; các hoạt động ăn uống, nấu nướng của người dân được thực hiện tại nhà. Cùng với đó, các trào lưu nấu ăn ngon, tập làm bánh đang nở rộ trên mạng xã hội cũng là nguyên nhân khiến nhiều hộ gia đình tìm mua thêm các thiết bị nhà bếp.

Trào lưu nấu ăn, làm bánh mùa dịch "nở rộ" khiến nhu cầu mua sắm các thiết bị liên quan cũng "đắt hàng" theo

Trong tâm trạng lo lắng, chị Kiều Linh (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước đây gia đình chị hay ra ngoài ăn hàng quán nhưng từ khi dịch bệnh xảy ra, lệnh "giãn cách xã hội" được ban hành, cả nhà đều nghỉ làm việc trực tuyến nên phải chủ động sắm thêm các thiết bị hỗ trợ nấu ăn nhanh để không mất nhiều thời gian vào việc nấu nướng, tránh ảnh hưởng tới công việc.

Bên cạnh đó, 1 bộ phận người dân lo lắng "quá mức", họ có xu hướng tích trữ đồ ăn, thực phẩm đông lạnh cho gia đình trong nhiều ngày để hạn chế việc tiếp xúc tại những nơi công cộng đông người bởi dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát. Lượng thực phẩm cần chứa nhiều, tủ lạnh bị quá tải là lý do nhiều người tìm đến sản phẩm tủ trữ đông để "cứu cánh" mặc dù giá của sản phẩm này là không rẻ.

Tủ trữ đông được tìm kiếm khá nhiều trong mùa dịch do tủ lạnh quá tải trong việc lưu trữ các thực phẩm dự trữ (Ảnh: Internet)

Theo đại diện một siêu thị, trung tâm điện máy trên địa bàn Hà Nội, các loại tủ lạnh dung tích lớn, tủ trữ đông... là một trong số các mặt hàng thiết bị gia dụng có mức mua sắm trực tuyến tăng rõ rệt (khoảng 10 - 20%) so với thời điểm trước Tết. Đây được đánh giá là xu hướng khá đặc biệt trong mùa dịch Covid-19 bởi từ trước đến nay, dòng tủ này khá kén khách.

Iprice.vn thống kê tỷ lệ mua sắm, xu hướng tiêu dùng trong thời gian cách ly xã hội vừa qua

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: "Xu hướng mua tủ đông ở hộ gia đình có thể gây lãng phí sau này, khi hết dịch, nhịp sinh hoạt trở lại bình thường thì tủ đông sẽ không còn quá quan trọng. Nếu tiếp tục sử dụng sẽ gây tốn điện, còn bỏ không thì vừa chiếm diện tích đáng kể trong nhà vừa dễ hư hỏng. Trong thời gian tới, các hộ gia đình cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua. Vì lợi ích và sự an toàn của bản thân cũng như cộng đồng, mọi người vẫn có thể mua đồ dự trữ nhưng hãy bình tĩnh và thông minh".

Thời điểm hiện tại, về tình hình dịch bệnh, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cơ bản đã kiểm soát được dịch, nới lỏng giãn cách xã hội được quyết định khi tròn 1 tuần Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc Covid 19 mới. Những kết quả đó cho thấy, các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 của Việt Nam đang hiệu quả. Tuy nhiên, người dân không nên lơ là, chủ quan khi thấy số ca bệnh mắc ít và tấp nập ra đường bởi nguy cơ lây nhiễm vẫn còn tiềm ẩn và có khả năng tái bùng phát cao.