19/01/2025 | 06:55 GMT+7, Hà Nội

Xây dựng, triển khai giải pháp ứng phó dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất

Cập nhật lúc: 20/03/2020, 21:43

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, quận Hai Bà Trưng cần xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết, chủ động chuẩn bị ở mức cao nhất, tránh tình trạng bị động, bất ngờ trước diễn biến nhanh...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, quận Hai Bà Trưng cần xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết, chủ động chuẩn bị ở mức cao nhất, tránh tình trạng bị động, bất ngờ trước diễn biến nhanh của tình hình dịch bệnh…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi kiểm tra.

Sáng 20/3, Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong cho biết cho biết, hiện tại trên địa bàn quận có 4 ca dương tính với Covid-19, trong đó 3 ca có nguồn gốc nước ngoài và đã công bố; 1 ca xét nghiệm lần đầu dương tính và chưa công bố. Tổng số người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 (F1) là 76 người, trong đó có 41 người đã xét nghiệm âm tính, 18 người hết thời gian cách ly 14 ngày; tổng số ca tiếp xúc F2 là 336 người, trong đó 22 người đã hết thời gian cách ly.

Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19, quận đã tập trung quán triệt, hướng dẫn, triển khai đến toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng, chống dịch trong Nhân dân. Đặc biệt, quận đã giám sát chặt chẽ các trường hợp có hiểu hiện nghi nhiễm; rà soát và sàng lọc để phát hiện sớm, nhất là những người đi về từ vùng có dịch, không để lây lan trong cộng đồng.

Quận cũng chủ động chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế; bố trí khu cách ly đối với người tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 tại 11 phòng khám đa khoa tư nhân và 6 trạm y tế, trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất tích cực. Ngoài ra, quận cũng yêu cầu dừng tổ chức các lễ hội và các hoạt động tập trung đông người; dừng hoạt động các quán bar, karaoke...; tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các phường, các đơn vị, cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Hiện 18/18 phường đã có phương án khoanh vùng cách ly; quận cũng thành lập phương án liên phường trong đó thống kê rõ số lượng cơ sở y tế, phương án bảo vệ, phương án đảm bảo cung ứng thực phẩm… để đảm bảo đáp ứng tốt khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cũng nêu những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, như một số người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo chia sẻ thông tin không chính thống về tình hình dịch, gây hoang mang dư luận; hóa chất, trang thiết bị phòng dịch còn thiếu, bị đẩy giá lên cao; số người tiếp xúc (F1) với ca dương tính nhiều, trong khi việc đưa đi cách ly tại bệnh viện còn chậm.

Trên cơ sở đó, quận Hai Bà Trưng kiến nghị thành phố có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ phòng dịch; bố trí thêm các điểm cách ly kịp thời các trường hợp tiếp xúc F1...

Đánh giá cao những giải pháp chủ động, tích cực của quận Hai Bà Trưng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu lưu ý trong giai đoạn này, quận Hai Bà Trưng cần vận hành hiệu quả hệ thống loa phường đối với công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và ý thức phòng, chống dịch; vận động người dân hạn chế đi ra ngoài và không tụ tập đông người, không chủ quan nhưng không quá hoang mang, lo lắng; không ồ ạt tích trữ thực phẩm…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, với số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 như hiện nay, quận Hai Bà Trưng là địa bàn trọng điểm sau Ba Đình. Cùng với diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, mức độ lây nhiễm cao hơn, do vậy cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của quận cần phải nhận thức rõ để có giải pháp triển khai quyết liệt phòng, chống dịch trong giai đoạn tới.

Đồng chí đề nghị, trước hết quận cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, thành phố; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch; rà soát lại toàn bộ kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, có giải pháp mới và ở mức độ cao hơn.

Quận cần triển khai công tác tuyên truyền rộng khắp, kịp thời, chính xác, minh bạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và để mỗi người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng...

Quan trọng hơn, quận phải làm tốt việc phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly, điều trị, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Covid-19, mục tiêu là khống chế, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng.

Cùng với đó, quận rà soát và nắm chắc các trường hợp đi, đến từ vùng có dịch; tạm dừng, hoãn các sự kiện không cần thiết, các hoạt động tập trung đông người; kiểm tra toàn diện các công trình xây dựng trên địa bàn quận, nhất là kiểm soát số lượng người tạm trú, tạm vắng, di chuyển từ nơi khác đến. Quận cũng cần quan tâm địa bàn khu chung cư, trung tâm thương mại, chợ, hướng dẫn tiểu thương, Nhân dân về các giải pháp để phòng, chống dịch.

Đặc biệt, quận cần xây dựng các phương án cụ thể, chi tiết, chủ động chuẩn bị ở mức cao nhất, tránh tình trạng bị động, bất ngờ trước diễn biến nhanh của tình hình dịch bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh đến đời sống Nhân dân và sự phát triển của quận.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng đề nghị quận làm tốt công tác phối hợp với các ngành, các bệnh viện trên địa bàn để huy động tối đa vào công tác phòng, chống dịch; làm tốt công tác tập huấn để xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, nhất là người đứng đầu.

Cùng với phòng, chống dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, quận cần triển khai đồng thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ở những nơi chưa có dịch và đã xác định ngày tổ chức đại hội thì có thể tiến hành nhưng cần cắt giảm thủ tục không cần thiết; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.