Xăng nhập chưa đến 9000 đồng, bán gấp đôi: Có khó hiểu?
Cập nhật lúc: 24/08/2015, 04:51
Cập nhật lúc: 24/08/2015, 04:51
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,8 USD (giảm 4,3%) xuống 40,7 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Giá dầu Brent giảm 1,65 USD (giảm 3,4%) xuống 47,16 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 1 năm nay.
Theo tính toán của tờ Người Lao Động, với giá dầu giảm mạnh, hiện giá xăng A92 nhập từ Singapore chỉ còn khoảng 62,76 USD/thùng, tương đương 8.858 đồng/lít.
Trong khi đó, giá xăng trong nước dù đã được điều chỉnh 6 lần giảm (giá xăng RON 92 bình quân giảm khoảng 3.600 đồng/lít so với giá xăng xuối năm 2014) thì hiện nay người tiêu dùng vẫn đang phải mua với giá gấp đôi tương đương 18.536 đồng/lít.
Theo công bố của các cơ quan quản lý, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%), tương đương 8.244 đồng. Ngoài ra, mức chiết khấu cho các đại lý xăng dầu hiện tại là trên dưới 1.000 đồng/lít.
Thực tế đã ghi nhận từ đầu năm rất nhiều lần giá xăng dầu thế giới giảm sâu nhưng giá xăng trong nước đứng im hoặc giảm nhỏ giọt, còn các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đều liên tiếp tăng chiết khấu cho đại lý, đạt tới mức trên dưới 1000 đồng/lít.
Mới đây, một đại lý bán lẻ còn tiết lộ mức chiết khấu có thể còn cao hơn nữa, lên tới 1.500 đồng/lít dù theo qui định của Bộ Tài chính thì mức chiết khấu cho các DN kinh doanh xăng dầu là khoảng 600 đồng. Đó chính là lý do giá xăng hiện tại gần gấp đôi giá nhập.
Tuy nhiên, theo phân tích của TS Nguyễn Hồng Nga - Khoa Kinh tế (ĐH kinh tế - Luật, TP.HCM) trên báo Đất Việt trước đó, khi giá xăng thế giới là 64 USD, thì việc giảm giá 816 đồng, các DN kinh doanh xăng dầu vẫn lãi khoảng 900 đồng một lít. Trong khi giá thế giới giảm từ 64 USD còn 47 USD, nếu giảm theo đúng giá thế giới thì giá xăng ở VN hiện nay không quá 17 ngàn đồng một lít.
Một diễn biến có liên quan, ngày 18/8, Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) đã có văn bản giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước về báo cáo tài chính quý 2/2015 với mức lãi kỷ lục gấp gần 3 lần quý 2/2014.
Theo báo cáo này Petrolimex nêu ba lý do chính khiến lợi nhuận quý 2-2015 tăng mạnh trước hết là do tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đạt trên 6%, các doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động tăng trưởng trở lại, giúp các đơn vị thành viên Petrolimex cũng tăng trưởng.
Thứ hai, liên bộ Công thương - Tài chính đã điều hành giá xăng dầu đúng định hướng cơ chế thị trường theo nghị định 83/2014.
Thứ ba, sản lượng xuất bán xăng dầu quý 2 của Petrolimex tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2014, giúp quy mô lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá về những giải trình này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cách giải thích chung chung, phi lý.
"Khúc mắc chính là ở chỗ doanh thu giảm và lãi tăng. Đó là điều quan trọng nhất lại không giải thích được" - PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nói.
TS Lê Đăng Doanh lại thẳng thẳng, lãi này là ăn lẹm vào túi tiền người tiêu dùng và cơ chế điều hành giá ở đây cũng phải xem lại.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, giá dầu thế giới đã giảm rất mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước lại giảm quá ít.
Theo ông Long, từ lâu các chuyên gia đã kiến nghị các cơ quan chức năng khi giá dầu giảm mạnh thì không nên thực hiện trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu để lấy số tiền trích quỹ đó giảm vào giá bán xăng dầu cho người dân được lợi. Tuy nhiên, với những điều hành giá xăng dầu hiện nay, Quỹ bình ổn giá luôn được trích lập đầy đủ 300 đồng/lít bằng tiền của người dân.
“Lẽ ra, giá xăng hôm 19.8 đã có thể giảm thêm ít nhất là 300 đồng/lít, nhưng do số tiền này được trích vào Quỹ nên người tiêu dùng đã không được hưởng giá thấp. Với thực tế điều hành giá xăng dầu như hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đang làm một việc hết sức phi lý là sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để tránh… giảm giá mạnh cho người tiêu dùng” - ông Long nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cũng nêu rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hiệu quả khi thị trường lên xuống một cách nhịp nhàng trong chu kỳ ngắn và có thể dự báo được.
Còn nếu thị trường diễn biến theo một chiều lên hoặc xuống trong thời gian dài và mức độ tăng, giảm lớn thì dùng bình ổn rất khó để giữ được sự bình ổn của thị trường. Mà bản chất thị trường là mang tính chất đầu cơ; khi lên thì rất nhanh - mạnh, xuống thì “không phanh”.
Quỹ bình ổn chỉ làm chậm tiến trình điều chỉnh giá lại. Cho nên xét về mặt logic kinh tế thì quỹ nếu sử dụng trong trường hợp thị trường diễn biến theo một chiều trong nhiều tháng là không hợp lý.
“Như hiện nay, nếu giá xăng cứ tiếp tục đà giảm thì trích quỹ như vậy gây “hiệu quả ngược”. Nó dẫn đến tình huống người tiêu dùng bức xúc vì thấy, sao cứ trích quỹ nhiều và mãi như thế mà không được giảm giá nhiều” - ông Độ nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu thực tế, cho đến nay cơ quan quản lý vẫn muốn tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu là để “nắm hầu bao” và chủ động trong việc quản lý, điều hành giá xăng dầu với doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp, tất nhiên, lúc giá xăng dầu giảm mạnh theo một chiều như hiện nay họ sẽ không có phản ứng gì với việc việc trích lập quỹ, bởi ít nhất họ sẽ không phải giảm giá cho người tiêu dùng số tiền 300 đồng trích vào quỹ này.
Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt vì 300 đồng này là tiền của mình mà vẫn buộc phải “gửi” doanh nghiệp để bình ổn khi… giá giảm.
Trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh như hiện nay, ông Long cho rằng, “việc xem xét bãi bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu đặt ra càng cấp thiết cả do tính hình thức nửa vời, phi thị trường, thiếu hiệu năng và dễ bị lạm dụng trong cơ chế hình thành và quy trình vận hành của nó”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nêu quan điểm: "Quỹ này trong thực tế là quỹ phân tán, sử dụng theo kiểu quyết toán nên tồn tại nhiều bất cập, gây mất lòng tin với người tiêu dùng".
Theo ông Phong, người tiêu dùng cho đến nay vẫn không nắm được cách thức, nguyên tắc sử dụng quỹ vốn đang rất tù mù này. “Họ không đủ kiên nhẫn để thấy quỹ này cứ trích lập để cho giá của mình không được giảm phù hợp với diễn biến của giá thế giới” - ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng, về bản chất, quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người dân đóng vào để “lúc giá xăng thấp thì họ phải mua với giá cao và khi giá cao thì được hạ xuống một tí nhưng sau đó lại bắt người dân nộp tiền bù vào qua giá xăng”.
“Theo tôi, đã đến lúc phải bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì không có tác dụng gì nhiều. Chưa kể nó còn làm nhiễu thị trường” - PGS.TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ./.