Vụ vi phạm tại hành lang thoát lũ sông Đuống: Sở Nông Nghiệp quyết xử lý – UBND huyện né tránh
Cập nhật lúc: 05/07/2019, 15:31
Cập nhật lúc: 05/07/2019, 15:31
UBND huyện Gia Lâm có đang “đá bóng trách nhiệm”
Ngay sau khi báo chí phản ánh các nội dung: Khu sinh thái mọc trên hành lang thoát lũ tại khu vực thị trấn Yên Viên. Hàng chục hộ kinh doanh, doanh nghiệp ngày đêm hoạt động, khai thác bến bãi, sản xuất vật liệu xây dựng. Hàng loạt dãy kiot được dựng lên trên hành lang đê điều, xây dựng nhà ở tại đường Thiên Đức, xã Yên Viên. Không dừng lại đó, các công ty đang hoạt động và xả khói đen bốc lên nghi ngút và có mùi khét lẹt. Những chiếc xe trọng tải lớn hàng chục năm qua "dày xéo" đê sông Đuống.
Những vi phạm nghiêm trọng này tồn tại nhiều năm trên địa bàn thị trấn Yên Viên, xã Yên Viên, khiến cho đời sống người dân bị đe doạ về sức khoẻ, môi trường ô nhiễm…
Ngày 28/5/2019, PV theo đúng quy trình làm việc tới đặt lịch, ghi lại đầy đủ nội dung thông tin để UBND huyện Gia Lâm cung cấp cho báo chí. Nhưng hơn nửa tháng qua đi, UBND huyện luôn lấy lý do bận họp để không trả lời.
Ngày 03/7/2019, tại trụ sở UBND huyện Gia Lâm, phòng Kinh tế được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin, trả lời báo chí về nội dung “hàng loạt sai phạm trên hành lang thoát lũ sông Đuống”… Tuy nhiên, khi PV tới làm việc ông Nguyễn Tiến Hoàng, trưởng phòng Kinh tế, lấy lý do bận họp không thể tiếp giao cho phó phòng là ông Tuấn.
PV tiếp tục liên hệ tới ông Tuấn, phó phòng Kinh tế thì được báo lại lý do gia đình có việc đột xuất đẩy trách nhiệm cho chuyên viên của phòng. Theo ông Thành, Chuyên viên phòng Kinh tế, UBND huyện Gia Lâm cho biết: “Trong buổi làm việc tôi được giao nhiệm vụ ghi lại thông tin, sau đó báo cáo lại cho lãnh đạo và sẽ trả lời báo chí sau”…
Thật khó hiểu với quy trình làm việc của UBND huyện Gia Lâm, trong khi nội dung làm việc đã được ghi lại từ cách đây hơn 15 ngày, Chánh văn phòng thông tin tới PV, Phó chủ tịch UBND huyện đã giao cho phòng Kinh tế tổng hợp tài liệu, khảo sát, báo cáo, và có nhiệm vụ thông tin đến báo chí. Nhưng vì một lý do khó hiểu nào đó mà phòng kinh tế lại không thể cung cấp được thông tin cho báo chí (?!).
Phải chăng UBND huyện Gia Lâm đang “đá bóng trách nhiệm” né tránh báo chí?
Kiên quyết thu hồi đất lấn chiếm ở hành lang đê thoát lũ Sông Đuống
Trước vấn đề gây nghiêm trọng hành lang thoát lũ, Sở NN và PTNT (gọi tắt là Sở NN) Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí đăng tải. Theo Sở NN: “Khu vực bờ sông, bãi sông Đuống thuộc địa phận xã Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) hiện có 10 bãi tập kết trung chuyển vật liệu, trong đó tới 9 bãi không có giấy phép. Tổng diện tích sử dụng không có phép là 4.22ha”.
Sở NN cho biết, các đơn vị, tổ chức ngoài vi phạm về tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng còn vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai, trật tự xây dựng, môi trường như đổ đất thải san lấp mặt bằng, sử dụng xe có trọng tải quá lớn hoạt động trên đê, xây dựng nhà cấp 4, nhà tạm, nhà xưởng... khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Trước thực trạng tập kết, kinh doanh, vật liệu xây dựng không phép tại khu vực bãi sông nguy cơ tiềm ẩn gây mất ổn định, an toàn công trình đê điều, đồng thời cũng tiếp tay cho các đối tượng khai thác cát lòng sông trái phép.
Sở NN đã có các văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đề nghị tăng cường công tác quản lý đê điều, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong đó đề xuất xử lý các vi phạm còn tồn tại, cũng như xử lý tình trạng tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng, khai thác cát lòng sông trái phép.
Nhằm ngăn chặn, xử lý cho hiệu quả tình trạng khai thác, tập kết, trung chuyển vật liệu trái phép, Sở NN kiến nghị UBND huyện Gia Lâm kiểm tra, rà soát các điểm tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông, các điểm khai thác cát khu vực lòng sông. Đồng thời, kiên quyết xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, đại diện sở này cũng đề nghị Sở TNMT tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi những phần đất cho thuê trái thẩm quyền, đất lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, để hoạt động kinh doanh tập kết, trung chuyển vật liệu tại khu vực bãi sông.
Đồng thời, đề nghị Công an TP Hà Nội, thực hiện có hiệu quả kế hoạch về việc mở đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn TP....
Vấn đề cuối cùng mà dư luận nói chung và người dân huyện Gia Lâm quan tâm, mong mỏi đó là: Lãnh đạo UBND huyện có mạnh tay xử lý cán bộ có những biểu hiện tiêu cực trong công tác (nếu có) và giải quyết, ngăn chặn hoạt động trên hành lang thoát lũ sông Đuống ra sao khi để sai phạm tồn tại nhiều năm như vậy hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.
16:01, 26/06/2019
00:01, 21/06/2019
14:01, 10/06/2019