19/01/2025 | 02:23 GMT+7, Hà Nội

Vụ Number 1 có ruồi: Luật sư nghi ngờ năng lực hội thẩm

Cập nhật lúc: 17/12/2015, 21:19

Sáng 17/12, TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "cưỡng đoạt tài sản" liên quan đến chai nước Number 1 có ruồi của Tân Hiệp Phát.

Người bị truy tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” với số tiền 500 triệu đồng là anh Võ Văn Minh (SN 1980, ngụ huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

Đúng 7h30 phút, anh Minh được đưa đến tòa bằng xe bít bùng, khi thấy người thân, người đàn ông này đã không kìm được nước mắt. So với ngày bị bắt, ông Minh nhìn trắng và gầy hơn.

Cũng trong phần thủ tục chuẩn bị cho phiên xử, chai nước Number One có ruồi - vật chứng của vụ án cũng được đưa đến phiên tòa, đặt ngay ngắn trên một chiếc ghế. Bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc, người đại diện theo pháp luật) cũng có mặt tại tòa với tư cách đại diện đơn vị bị hại là Công ty TNHH Tân Hiệp Phát.

Bị cáo Minh tại phiên tòa.

Bị cáo Minh tại phiên tòa.

Đúng 8h, phiên tòa bắt đầu. Sau khi chủ tọa công bố thủ tục khai mạc phiên tòa, luật sư Phạm Hoài Nam đưa ra hàng loạt kiến nghị, đề nghị HĐXX triệu tập thêm điều tra viên, nhân viên giám định...đến dự tòa. Ngoài ra 4 nhân chứng vắng mặt tại tòa nên luật sư cũng đề nghị triệu tập.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX đánh giá lại tư cách tham gia tố tụng của các bên. Ai là bị hại trong vụ án? Đây là vụ án cưỡng đoạt tài sản nên phải có bị hại là con người.

Luật sư của ông Minh cũng đề nghị tòa xem lại việc triệu tập 4 nhân viên của Tân Hiệp Phát với tư cách nhân chứng là không khách quan. Theo đó, 4 nhân viên của Tân Hiệp Phát phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới đúng... Luật sư cũng đề nghị xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của luật sư đồng nghiệp và VKS.

Từ những ý kiến trên, luật sư đề nghị hoãn phiên tòa.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi bào chữa cho bị cáo Minh.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi bào chữa cho bị cáo Minh.

Sau khi hội ý, HĐXX nhận thấy việc các luật sư đưa ra những ý kiến trên trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa là không đúng quy định thủ tụng tố tụng nên tiếp tục phiên tòa. Đại diện VKS công bố bản cáo trạng.

Phần xét hỏi, trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Minh thừa nhận diễn biến nội dung vụ việc. Theo đó, bản thân hàng ngày cuộc sống khó khăn, sống bằng việc bán hủ tiếu, bún riêu. Khi lấy chai nước ngọt Number One – sản phẩn của Tân Hiệp Phát để bán cho khách, bị cáo bất ngờ phát hiện bên trong có con ruồi chết.

Sau đó, nhân viên Tân Hiệp Phát đã có 3 lần gặp gỡ trao đổi, thương lượng với bị cáo. Lần đầu tiên, bị cáo đưa ra yêu cầu Tân Hiệp Phát giao 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước có ruồi và sự im lặng nhưng nhân viên công ty không đồng ý. “Họ nói sẽ ghi nhận sự việc về báo cáo lãnh đạo xem xét”, bị cáo Minh khai.

Cũng tại tòa, bị cáo Minh cho rằng trong một lần gặp gỡ, ông Trương Tiểu Long từng đặt vấn đề công ty sẽ giao 100 triệu đồng nhưng Minh không đồng ý. Tòa hỏi có chứng cứ gì về việc công ty từng đưa ra số tiền 100 triệu đồng không, bị cáo Minh bảo “không”. Về lời khai này, quá trình điều tra, cơ quan tố tụng đã cho đối chất nhưng ông Long không thừa nhận.

Vật chứng tại phiên tòa.

Vật chứng tại phiên tòa.

Xuất hiện tại tòa với vẻ sang trọng, xinh đẹp, bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết mình sẽ trực tiếp trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án.

Về diễn biến vụ việc, bà Bích cho biết có nhận được từ phòng chăm sóc khách hàng báo lại là có một khách hàng điện thoại đến công ty nói là chai Number One của công ty có ruồi. Khách hàng yêu cầu mua lại chai nước với giá 1 tỷ đồng. Bà Bích đã phân công nhân viên Trương Tiểu Long đến liên hệ, gặp khách hàng.

“Công ty chúng tôi có quy định là nhân viên phải tiếp xúc với khách hàng. Nếu sản phẩm của chúng tôi có lỗi thì chúng tôi xin sản phẩm về để nghiên cứu phân tích xem quy trình có lỗi hay không, cảm ơn khách hàng bằng sản phẩm. Chúng tôi cũng có quy định là mọi trường hợp khiếu nại của khách hàng không thể giải quyết bằng tiền. Sản phẩm chúng tôi bán ra đến tay người tiêu dùng chỉ 10 ngàn thôi. Chúng tôi không thể nào mà quy đổi thành tiền”, bà Bích khẳng định.

Bà Trần Ngọc Bích, giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, đại diện bị hại đã có mặt trực tiếp tham gia phiên tòa. Ảnh: Hoàng Điệp

Bà Trần Ngọc Bích, giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, đại diện bị hại đã có mặt trực tiếp tham gia phiên tòa. Ảnh: Hoàng Điệp.

Vậy nếu có sản phẩm giả nhãn hiệu công ty mà không đảm bảo chất lượng thì sao? Trả lời câu hỏi trên, nữ giám đốc Tân Hiệp Phát nói: “Với quy trình sản xuất của mình, chúng tôi luôn tin rằng sản phẩm của mình đến tay khách hàng luôn đảm bảo chất lượng”. Bà Bích cho rằng cũng chính vì sợ hàng giả nên công ty mới có chủ trương xin sản phẩm về để phân tích, kiểm tra mới kết luận là có phải hàng giả hay không.

Về những cuộc gặp gỡ với bị cáo Minh, bà Bích cũng cho biết đã được nhân viên báo cáo.Sau hai cuộc gặp gỡ, ông Minh vẫn giữ nguyên ý định.

“Hai lần chúng tôi không thuyết phục được khách hàng và nhận được hăm dọa là nếu không đáp ứng, chúng tôi sẽ phải lãnh hậu quả. Sau đó, tôi đã cử nhân viên cấp cao nhất là trợ lý của tôi đến gặp anh Minh để thuyết phục nhưng không thể. Nếu công ty không giải quyết sẽ dẫn đến hậu quả khó kiểm soát nên tôi quyết định cử nhân viên gặp lần thứ ba”.

Về lời đề nghị đưa ra số tiền 500 triệu đồng để mua lại chai nước, bà Bích phủ nhận không có chuyện này vì công ty có chủ trương nhất quán là không giải quyết bằng tiền. Lúc đó, vụ việc xảy ra vào những ngày gần Tết, nếu không giải quyết sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng ngàn nhân viên. Do vậy, sau khi đắn đo suy nghĩ, bà Bích đã quyết định viết đơn tố cáo đến cơ quan công an.

“Lúc này tôi gặp rất nhiều áp lực là phải bảo vệ thương hiệu, uy tín của công ty nên mới quyết định chi 500 triệu đồng từ quỹ của công ty. Tôi phân công anh Long, anh Tuấn, anh Trung đi giao tiền”. Tòa hỏi vậy khi đi giao tiền có báo công an không, bà Bích khẳng định “không”.

Tòa đặt câu hỏi sau sự việc trên, công ty có bị ảnh hưởng không? Bà Bích cho biết có ảnh hưởng. Thời gian qua, doanh số giảm sút, thiệt hại có thể lên tới vài ngàn tỷ đồng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn nhân viên mà còn ảnh hưởng đến những người nông dân cung cấp nguyên liệu.

Vậy công ty có yêu cầu bồi thường không? Bà Bích cho rằng đó là sự việc ngoài kiểm soát, công ty thiệt hại rất lớn nhưng anh Minh cũng gánh chịu hậu quả nặng nề. Do vậy, công ty không yêu cầu bồi thường và xin xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo.

Năng lực Hội thẩm bị nghi ngờ

Bà Nguyễn Thị Huệ, Hội thẩm nhân dân của phiên tòa đã liên tục chất vấn Võ Văn Minh: Bị cáo có biết hay không? Bị cáo có tống tiền không? Bị cáo làm vậy đúng hay sai mà bị bắt giam?

Nếu bị cáo không đe dọa thì sao người ta đưa tiền? Bị cáo bán lại chai nước giá cao thì sướng quá đúng không?

Mình không làm cực nhọc mà có 500 triệu thì về đạo đức xã hội thì… Bị cáo từng học tập và rèn luyện trong quân đội nhưng lại muốn kiếm tiền dễ dàng như vậy giờ ngồi tù thì cha mẹ, vợ con sẽ thế nào?...

Xen giữa các câu hỏi, Võ Văn Minh chỉ trả lời rằng bản thân chỉ nghĩ là bán chai nước chứ không tống tiền ai.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Tôi nghi ngờ năng lực của hội thẩm - Ảnh Hoàng Điệp.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi: Tôi nghi ngờ năng lực của hội thẩm - Ảnh Hoàng Điệp.

Đồng luật sư của Võ Văn Minh là Phạm Hoài Nam đã đứng lên yêu cầu bà không hỏi theo kiểu quy kết có tội. Tuy nhiên, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Võ Trung Hiếu cho bà Huệ tiếp tục hỏi.

Bà Huệ nói: “Việc tôi hỏi là cho bị cáo thấy về mặt đạo đức”. Sau đó, bà Huệ hỏi Võ Văn Minh có cảm thấy hối hận không khi bị giam? Có biết sai không khi làm như vậy?

Luật sư Nguyễn Tấn Thi đứng lên phát biểu: “Tôi nghi ngờ năng lực của hội thẩm nhân dân. Cách hỏi này sẽ tốn thời gian của nhiều người và có thể dẫn đến những Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén khác”.

Đồng hồ khi ấy chỉ 11h10, Thẩm phán tuyên bố tạm dừng để chiều tiếp tục xử án.

Theo cáo trạng, ngày 3/12/2014, anh Võ Văn Minh (SN 1980, hộ khẩu xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) lấy chai nước Number 1 (loại chai nhựa 350 ml) của Cty Tân Hiệp Phát bán cho khách thì thấy có con ruồi bên trong chai. Minh mang chai nước này cất giấu ở dưới bàn nước.

Ngày 5/12/2014, anh Minh gọi điện thông báo cho Cty Tân Hiệp Phát về chai nước có ruồi và yêu cầu Cty này phải giao cho Minh 1 tỷ đồng, sau đó hạ giá xuống còn 500 triệu đồng để đổi lấy chai nước bên trong có con ruồi và sự im lặng của Minh. Cty Tân Hiệp Phát phân công nhận viên trực tiếp đến gặp Minh 3 lần để kiểm tra thông tin.

Ngày 27/1/2015, phía Tân Hiệp Phát phân công 3 nhân viên mang theo 500 triệu đồng đến gặp Minh tại quán giải khát Quê Hương (ấp Hậu Vinh, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) và đưa số tiền này cho Minh.

Nhận tiền, anh Minh có làm biên nhận rồi đem số tiền này để vào cốp xe AirBlade (BS 63X7-3996). Cũng vào lúc này, Công an tỉnh Tiền Giang ập đến bắt quả tang Minh và tang vật.