22/11/2024 | 18:52 GMT+7, Hà Nội

Vụ chạy "lốt" xe 600 triệu đồng: Công an, Thanh tra Hà Nội vào cuộc

Cập nhật lúc: 21/10/2015, 07:10

Vụ việc xin “lốt” xe vào Mỹ Đình hết 600 triệu sẽ được Sở GTVT Hà Nội và Bộ GTVT “đối thoại” trong ngày hôm nay. Theo đó, Công an và Thanh tra Thành phố cũng vào cuộc để làm rõ thông tin này.

Lãnh đạo bến xe lên tiếng

Theo lãnh đạo bến xe Mỹ Đình, từ năm 2013 đến nay, không tiếp nhận thêm “nốt” mới mà chỉ duy trì ổn định số lượng lượt tuyến hiện có trên 1.600 lượt xe một ngày.

Ngay cả khi tăng cường lượt tuyến vào các dịp lễ Tết để giải tỏa ùn tắc hành khách, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình cho biết, bến cũng không có quyền can thiệp mà việc này cũng do đơn vị cấp trên (Sở GTVT Hà Nội - PV) cấp “lệnh”.

Đề cập đến việc xử lý xe vi phạm đến mức phải tạm dừng luồng tuyến, đại diện bến xe Mỹ Đình cũng cho biết, quyền này cũng do Sở GTVT quyết định.

Từ 26/6 vừa qua, Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến 2020, định hướng 2030.

Với 3 bến xe lớn trên địa bàn Hà Nội là Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên không cấp thêm lượt tuyến mới (nốt) để giữ ổn định hoạt động. Nội dung này được thực hiện từ nay đến năm 2020. Vào các dịp lễ tết, quy hoạch cũng linh động cho các bến được tăng cường lượt tuyến để giải tỏa hành khách.

Sở GTVT là đơn vị trực tiếp cấp lốt xe

Trước thông tin xin “lốt” xe vào bến Mỹ Đình đến 600 triệu đồng, chiều 19/10 ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sáng nay (20/10) Sở GTVT Hà Nội tổ chức cuộc họp với Bộ GTVT và các bên liên quan, trong đó có Công an, Thanh tra thành phố để làm rõ thông tin trên.

Có hay không việc xin “lốt” xe vào Mỹ Đình hết 600 triệu sẽ được Sở GTVT Hà Nội và Bộ GTVT “đối thoại” hôm nay

“Mặc dù chưa đưa ra bằng chứng gì kèm theo, nhưng với trách nhiệm của một đơn vị cơ sở, trực tiếp quản lý bến xe Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội phải có trách nhiệm kiểm điểm, cùng với đó rà soát lại xem thực hư thông tin trên thế nào, có đúng như Bộ trưởng nói không?”, ông Linh cho hay.

Cũng theo ông Linh, sau khi tiếp nhận thông tin Bộ trưởng Giao thông nêu ra, sáng nay lãnh đạo Sở tổ chức cuộc họp với đại diện Bộ GTVT, Công an và Thanh tra thành phố để xác minh, làm rõ nội dung trên.

Liên quan đến thông tin đơn vị nào đang trực tiếp cấp “lốt” xe trên địa bàn Hà Nội hiện nay, chiều qua ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, việc này Sở GTVT đảm nhiệm và được thực hiện theo Thông tư 63 của Bộ GTVT. Cũng theo ông Linh, hiện Sở GTVT Hà Nội đang cấp “lốt” xe hoàn toàn miễn phí cho DN.

Nói về quy trình cấp một “lốt” xe, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, khi DN muốn mở một tuyến xe chạy từ các tỉnh đến Hà Nội và ngược lại họ phải liên hệ với các bến để xem biểu đồ chạy xe. 

Nếu luồng tuyến DN muốn chạy còn trống, họ sẽ làm hồ sơ chuyển về Sở GTVT để được giải quyết. Sau khi rà soát biểu đồ, hồ sơ, nếu phù hợp với quy định, Sở GTVT Hà Nội sẽ có văn bản chấp thuận tuyến (lốt) để DN được vào bến hoạt động theo lộ trình đã xin.

Hiện Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT là đơn vị trực tiếp giải quyết, trình các thủ tục liên quan đến cấp “lốt” để lãnh đạo Sở ký.

Chiều qua đại diện Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, lâu nay hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh chưa có quy hoạch về luồng tuyến nên việc cấp “lốt” xe phụ thuộc vào cơ chế “xin - cho” của địa phương. Tuy Bộ GTVT đã có quy định rõ ràng cho việc này (Thông tư 63) nhưng việc xin “lốt” xe vào bến vẫn phải được Sở GTVT nơi đến hoặc nơi đi “gật đầu”.

Sẽ đấu thầu

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Đường bộ cho hay, đang hoàn thiện dự thảo quy định bỏ chấp thuận tuyến và sẽ trình lãnh đạo bộ ngày 20/10. Dự thảo sẽ bỏ quy định chấp thuận tuyến; các doanh nghiệp công khai đăng ký; trường hợp số xe khách đăng ký vượt số “lốt” hiện có sẽ tiến hành đấu thầu để lựa chọn. 

Mỹ Đình có vị trí thuận lợi so với các bến xe khác trong nội đô

Cũng theo ông Quyền, việc đấu thầu chỉ dừng lại ở việc lựa chọn giữa các doanh nghiệp theo các tiêu chí, chưa thu tiền. “Chúng tôi sẽ đưa ra bộ tiêu chí trong tháng 11, các doanh nghiệp có cơ chế quản lý tốt, đảm bảo an toàn giao thông, không kể quy mô lớn hay nhỏ sẽ được lựa chọn. Phương án không thu tiền đấu giá nhằm tránh tăng chi phí cho doanh nghiệp và đẩy giá cước vận tải lên cao”, ông Quyền nói.

Đánh giá giữa phương án chấp thuận tuyến và đấu thầu, ông Quyền cho biết, phương án chấp thuận tuyến trước đây không công khai “lốt” còn trống nên tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực; phương án đấu thầu mà Bộ trưởng GTVT yêu cầu thực hiện đảm bảo công khai minh bạch và hạn chế tiêu cực.

Trước đó, trong cuộc họp giải quyết các kiến nghị của Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam ngày 15/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng phát biểu: “Có người nói với tôi, xin một lốt xe vào bến Mỹ Đình mất đến 500-600 triệu đồng”.

Sau khi nhận được thông tin "xin suất chạy xe" của Bộ trưởng, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát việc cấp lốt xe vào bến xe Mỹ Đình và có văn bản đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng cung cấp thông tin cụ thể về tiêu cực tại Bến xe Mỹ Đình.