22/11/2024 | 16:54 GMT+7, Hà Nội

VPBank đặt mục tiêu thận trọng, cân bằng tăng trưởng lợi nhuận và an toàn cho năm 2019

Cập nhật lúc: 15/04/2019, 23:24

Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 với mức tăng trưởng lợi nhuận lần đầu dưới 2 con số.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2019, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4 tại Hà Nội.

Cụ thể, theo kế hoạch năm 2019, VPBank sẽ tăng tổng tài sản thêm 16% lên trên 373.600 tỷ, huy động vốn và tín dụng tăng trưởng 15%, lợi nhuận ở mức 9.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Nếu không tính khoản ứng trước của AIA theo hợp đồng hợp tác bảo hiểm ký cuối năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận là 14%.

VPBank đặt mục tiêu thận trọng, cân bằng tăng trưởng lợi nhuận và an toàn cho năm 2019

VPBank đặt mục tiêu thận trọng, cân bằng tăng trưởng lợi nhuận và an toàn cho năm 2019

So với các ngân hàng khác, VPBank vẫn nằm trong top 5 ngân hàng có kế hoạch lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống, ngang với mục tiêu mà VietinBank đặt ra. Cùng đặt mục tiêu lãi 9.500 tỷ đồng nhưng VietinBank sẽ đạt mức tăng trưởng tới 41% so với mức “nền” thấp bởi sự sụt giảm bất ngờ của lợi nhuận năm trước.

Mục tiêu tăng trưởng thấp năm nay của VPBank được đưa ra trên nền lợi nhuận đã được tích lũy các năm trước đó. Từ một ngân hàng ngoài top 10 lợi nhuận, sau 5 năm, VPBank leo lên vị trí thứ 4 toàn hệ thống và giữ vững trong 3 năm liên tiếp 2016-2018. Nếu hoàn thành mục tiêu năm nay, lợi nhuận nhà băng này sẽ tăng trưởng gấp 3 lần sau giai đoạn 5 năm (2014 – 2019).

VPBank năm nay tỏ ra thận trọng với kế hoạch kinh doanh song nhìn chung hệ thống, hầu hết các ngân hàng đều dè dặt hơn nhiều mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2018. Một số ngân hàng có mức tăng trưởng đột biến năm trước như Vietcombank (63,5%), Techcombank (31%) cũng đều đưa ra kế hoạch thận trọng lần lượt là 15% và 10%.

Lý giải về việc VPBank chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 3%, đại diện VPBank cho biết là bởi ngân hàng sẽ xử lý dứt điểm nợ tại VAMC. Như vậy, để giải quyết được 3.160 tỷ đồng trái phiếu tại VAMC, VPBank sẽ phải hy sinh tăng trưởng lợi nhuận song bù lại, ngân hàng sẽ tạo được sức bật mạnh trong những năm tiếp theo. Nếu thực hiện đúng kế hoạch trên, VPBank sẽ xếp vào nhóm số ít các ngân hàng sạch nợ tại VAMC.

Tuy nhiên, lý do quan trọng hơn tác động tới kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng là viễn cảnh chung của thị trường không được tích cực như những năm trước. Thu nhập lãi, nguồn thu chính chiếm tới 70-80% trong cơ cấu tổng nguồn thu tại đa số các ngân hàng, sẽ khó có thể bứt phá trong năm nay khi giới hạn tăng trưởng tín dụng tiếp tục chỉ được NHNN duy trì ở mức 14%. Dấu hiệu giảm tốc nhìn thấy ngay ở quý đầu năm. Số liệu của NHNN cho biết tín dụng đến 25/3 chỉ tăng 2,28%, trong khi cùng kỳ đạt 2,78%. Việc tín dụng tăng thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến tham vọng tăng trưởng trong năm nay của nhiều ngân hàng.

Như vậy, có thể hiểu, tìm động lực cho tăng trưởng kinh doanh năm 2019 sẽ là bài toán khó của các ngân hàng, không chỉ riêng VPBank. Khi nguồn thu chính từ hoạt động kinh doanh truyền thống gặp nhiều hạn chế, VPBank vẫn có lợi thế từ hoạt động dịch vụ vốn đã được tập trung phát triển các năm gần đây. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn đều đặn mang về thu nhập hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm cho VPBank.

VPBank đã vươn lên trở thành ngân hàng đứng đầu về số lượng thẻ tín dụng phát hành năm 2018, đồng thời dẫn đầu về chi tiêu thẻ, với giá trị đạt khoảng 11,5 triệu đồng mỗi tháng trên một thẻ đang hoạt động, tăng 79% so với năm 2017, và cao hơn nhiều so với mức 3,5 triệu đồng/tháng của toàn thị trường. Tổng khối lượng giao dịch chiếm khoảng 18% tổng giá trị thị trường. Tăng trưởng tốt giúp thẻ tín dụng đạt lợi nhuận 314 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, hệ số đo lường tính hiệu quả - chi phí trên doanh thu (CIR) của VPBank đang ngày càng cải thiện, giảm xuống chỉ còn 34% đến cuối năm 2018 – thuộc nhóm thấp nhất trong hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu ROA và ROE vẫn ở mức cao nhất toàn hệ thống, lần lượt là 2,4% và 22,8%.

Xu hướng tích cực trên một phần đến từ các khoản đầu tư cho công nghệ giúp số hóa các quy trình và gia tăng tiện ích số cho khách hàng. Có tới 93% hoạt động giao dịch tại ngân hàng đã được thực hiện qua kênh digital, chỉ còn 7% buộc phải thực hiện tại quầy. Ngoài việc tiết giảm chi phí vận hành, việc đầu tư cho công nghệ số sẽ giúp tối ưu giảm chi phí rủi ro tín dụng.

Chi phí huy động vốn tại ngân hàng trong năm tới cũng có thể được tiết giảm nếu như VPBank thành công trong việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Theo bản dự thảo nghị quyết đại hội đồng cổ đông, VPBank dự kiến sẽ phát hành tối đa 260 triệu cổ phiếu trong năm nay nhằm đảm bảo an toàn vốn hoạt động và bổ sung vào nguồn vốn trung dài hạn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Cách đây không lâu, lãnh đạo VPBank từng khẳng định, VPBank vẫn sẽ kiên định với mục tiêu trở thành một trong 3 ngân hàng giá trị nhất hệ thống. Và để đạt được mục tiêu đó, chắc chắn VPBank sẽ phải tiến những bước tiến vững chắc bằng cách đặt mục tiêu thận trọng, cân bằng giữa tăng trưởng lợi nhuận và an toàn.

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), năm 2019 Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank – VPB sẽ tăng trưởng tổng tài sản 14,3%, tiền gửi tăng trưởng 16,2% và tín dụng tăng 16,3%. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến 10.160 tỷ đồng, tăng 10,5%.

Dự báo những con số trên dựa vào cơ sở tăng trưởng trong năm 2018 và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty cho vay tiêu dùng đang diễn ra mạnh mẽ.