19/01/2025 | 02:31 GMT+7, Hà Nội

Vinmec công bố nghiên cứu đột phá về giảm đau trong mổ tim hở trẻ em

Cập nhật lúc: 03/11/2020, 15:25

Tạp chí hàn lâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Gây mê hồi sức và Điều trị đau - số tháng 10/2020 - vừa công bố nghiên cứu khoa học có tính đột phá trong lĩnh vực mổ tim hở của Hệ

Đây là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên thế giới ứng dụng kĩ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) giúp bệnh nhi trải qua cuộc mổ tim hở hoàn toàn không đau và phục hồi sức khỏe rất sớm sau phẫu thuật.

Phẫu thuật mổ tim hở trẻ em được chỉ định điều trị các dị tật tim. Do thường phải cưa xương ức, người bệnh rất đau, phải nằm viện dài ngày. Trẻ còn phải chịu nhiều tác dụng phụ trong suốt quá trình phục hồi nếu phải dùng thuốc giảm đau dạng morphine.

Với mong muốn giúp trẻ mổ tim hở, đặc biệt là các trường hợp mổ tim hở dưới 1 tuổi, phục hồi nhanh sau phẫu thuật, nhóm nghiên cứu của GS. Philippe Macaire – Trưởng khoa Gây mê giảm đau, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) và các đồng nghiệp đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP - Erector Spinae Plane) để kiểm soát các cơn đau do mổ tim.

Vinmec là bệnh viện đầu tiên trên thế giới áp dụng và nghiên cứu về hiệu quả của kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống kiểm soát các cơn đau do mổ tim

ESP là kỹ thuật gây tê đặt ống (catheter) truyền thuốc giảm đau vào dưới cơ dựng sống bên cạnh cột sống từ sau lưng để ngăn chặn tín hiệu đau trước khi tín hiệu được truyền tới cột sống, giúp giảm đau mạnh mẽ và hiệu quả. Kỹ thuật giảm đau này lần đầu tiên được một nhóm nhà khoa học tại Canada ứng dụng điều trị đau dây thần kinh mãn tính vùng ngực vào năm 2016. Ngay lập tức, GS. Philippe Macaire cùng với các cộng sự tại Vinmec đã nghiên cứu áp dụng kỹ thuật ESP và áp dụng giảm đau ESP trong phẫu thuật. Tháng 8.2017, tại Hội nghị Gây mê Hồi sức thế giới lần 43 tại Mỹ, lần đầu tiên trên thế giới, Vinmec công bố đã áp dụng thành công trong mổ tim hở - loại phẫu thuật phức tạp, giúp người bệnh không đau sau mổ.

Kết quả nghiên cứu lâm sàng trên 50 trẻ mổ tim hở tại Vinmec được áp dụng phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) cho thấy, cuộc đại phẫu đạt được hiệu quả giảm đau một cách vượt trội. 100% trẻ phục hồi nhanh hơn, ăn uống được ngay sau mổ và thời gian xuất viện sớm hơn.

Nhờ được giảm đau bằng ESP khi mổ thông liên thất tại Bệnh viện Vinmec Central Park, bé Moon (2 tuổi) đã xuất viện sau 3 ngày thay vì thông thường phải 7 ngày.

Nghiên cứu áp dụng ESP trong mổ tim hở trẻ em đã được Regional Anesthesia and Pain Management - Tạp chí về Gây tê và giảm đau vùng có chỉ số ảnh hưởng rất cao – Impact factor 7.015 – ghi nhận là nghiên cứu nguyên bản. Là ý tưởng hoàn toàn mới, chưa từng được đề cập hay thảo luận trong y giới nên nghiên cứu của Vinmec được Tạp chí đánh giá có thể đem lại sự đột phá trong mổ tim hở.

“Sau các nghiên cứu về mổ tim hở ở trẻ em, Vinmec sẽ tiếp tục phối hợp với đối tác quốc tế uy tín tiến hành các nghiên cứu lâm sàng áp dụng ESP ở tim mạch người lớn và nhiều loại phẫu thuật khác tại các bệnh viện khác trong hệ thống Vinmec, nhằm đem đến trải nghiệm phẫu thuật hoàn toàn không đau đớn cho người bệnh phẫu thuật” – GS Philippe Macaire chia sẻ.

Lộ trình nghiên cứu và thành công trong áp dụng kỹ thuật gây tê vùng trong phẫu thuật tim hở tại Hệ thống Y tế Vinmec

Cùng với ESP, các bác sĩ Vinmec đã song hành áp dụng Chương trình “Chăm sóc phục hồi sớm sau phẫu thuật” (ERAS) đã giúp người bệnh chăm sóc một cách đầy đủ trước, trong và sau cuộc phẫu thuật, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng sau mổ, giảm thời gian nằm viện, phục hồi sớm sau mổ.

Những thành công vượt trội nói trên đã đưa Vinmec tiên phong trở thành một trong những bệnh viện đi đầu thế giới về kiểm soát đau đại phẫu không sử dụng morphin.