19/01/2025 | 10:16 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam vẫn \"hút\" về gần 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Cập nhật lúc: 28/12/2022, 13:42

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD.

Gần 28 tỷ USD được "rót" vào Việt Nam

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD; chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD.

Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD.

Trong năm 2022, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD.

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD; Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD - đều tăng so với cùng kỳ năm trước. 

Về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới, số lượt góp vốn mua cổ phần và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn, sau Hà Nội.

Đây vẫn là động lực duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế 

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục được báo chí quốc tế nhận định lạc quan, bền bỉ, tuy rằng sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức khó khăn thời gian tới. Triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất tươi sáng với sức tiêu dùng nội địa mạnh, cùng đầu tư nước ngoài ổn định và duy trì thặng dư trong cán cân thương mại - nhận định từ trang NASDAQ. Bài báo cũng cho biết, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được dự báo vượt 8% vào năm 2022 - 1 trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao.

Trang mạng của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Italy cho rằng: Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất mới về điện tử, may mặc. Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại mới, Việt Nam đã nhanh chóng đi đầu về thu hút đầu tư, củng cố vị thế thương mại quốc tế.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), nhận định: "Hiện nay rất nhiều tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá rất cao về sự phát triển của đất nước Việt Nam trong thời gian vừa rồi và triển vọng trong thời gian tương lai gần. Chúng tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam mặc dù là kinh tế toàn cầu đang bị khó khăn nhất định. Điều này cũng đang dẫn đến sự quan tâm và thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư Hàn Quốc nói riêng".

Trang Investment Monitor cho biết: Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dự án FDI trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử, dịch vụ kinh doanh, giúp kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Trang The Star nhận định, hiện vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác cho các doanh nghiệp Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đây là điều kiện để các doanh nghiệp có thể tận dụng trong thời gian tới.

Ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết: "Tôi cho rằng, trong thời gian tới đây triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn sẽ lạc quan, tươi sáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng sẽ có một số rủi ro mà Việt Nam cần lưu ý. Rủi ro thứ nhất là lạm phát gia tăng. Rủi ro thứ 2 là việc Mỹ và các nước tăng lãi suất, điều này sẽ dẫn tới rủi ro biến động tỷ giá. Đó là những yếu tố Việt Nam vẫn cần lưu ý.

Về triển vọng kinh tế năm 2023, trang The Edge Singapore cho biết: ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng bền bỉ trong năm 2023, trong đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo ở mức khoảng 6%.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-van-hut-ve-gan-28-ty-usd-von-dau-tu-nuoc-ngoai-74695.html