23/11/2024 | 01:50 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam tiến gần "chiến thắng kép" trong cuộc chiến chống Covid-19

Cập nhật lúc: 09/05/2020, 19:00

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát; giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng; nhịp sống sinh hoạt, hoạt động kinh doanh dần ổn định trở lại, Việt Nam đang tiến gần đến "chiến thắng kép" trong cuộc chiến chống Covid-19.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát

Trước những kết quả lạc quan của dịch bệnh, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, tạo điều kiện cho người dân "quay lại" hoạt động, dần ổn định sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ

Ngày 22/4, sau 3 tuần cách ly xã hội, Hà Nội được chuyển xuống nhóm "nguy cơ", chỉ áp dụng "nguy cơ cao" với một vài khu vực như huyện Thường Tín, huyện Mê Linh và một số nơi có các ca nhiễm chưa đủ 14 ngày, các cơ sở kinh doanh thiết yếu được quay trở lại hoạt động kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh thiết yếu được mở cửa trở lại từ 23/4/2020

Ngày 28/4, UBND Thành phố Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn về thời gian quay trở lại trường học. Theo đó, khối từ cấp 2, cấp 3, đại học và các cơ sở nghề bắt đầu đi học lại từ ngày 4/5/2020 và hệ tiểu học, mầm non trở lại học tập từ ngày 11/5/2020.

Công văn thông báo lịch quay trở lại trường học của học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội

Ngày 7/5, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống Covid-19, giãn cách tiếp tục được nới lỏng, dần gỡ bỏ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại và đảm bảo điều kiện chống dịch, trừ vũ trường, karaoke. Theo đó, các cụm rạp chiếu phim sẽ được tạo điều kiện để bắt đầu đón khách xem phim từ ngày 9/5/2020.

Các cụm rạp chiếu phim được mở cửa trở lại đón khách từ ngày 9/5/2020

Có được những kết quả tốt như thời điểm hiện tại vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng của từng địa phương và sự đồng lòng của nhân dân với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”.

Như Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng ngày 07/5: Về cơ bản chúng ta đã đẩy lùi dịch Covid-19 và chuyển sang thời kỳ mới - giai đoạn phục hồi kinh tế xã hội. 

Ổn định sản xuất kinh tế xã hội

Theo báo cáo của Chính phủ, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%. 4 tháng đầu năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước. Tuy nhiên, CPI bình quân 4 tháng so với cùng kỳ tăng 4,9%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng tăng 2,96% so với bình quân cùng kỳ.

Trong bối cảnh dịch bệnh tại Việt Nam cơ bản đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội cần tái thiết lập, ổn định trở lại.

Tại Hà Nội - một địa bàn trọng điểm có rủi ro cao với nhiều nguồn xâm nhập từ bên ngoài, lây nhiễm từ bên trong nhưng trên tinh thần "chiến đấu" quyết liệt, chấp hành nghiêm các Chỉ đạo Trung ương và Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã "tiến gần" đến chiến thắng trong cuộc chiến với Covid-19.

Ngay khi các giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ, về phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng Hà Nội vẫn tăng trưởng 3,72%. Hà Nội đang cố gắng để phục hồi sau dịch kết thúc theo mô hình chữ V và đang tập trung thực hiện theo hướng này. Các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở kinh doanh cá thể trên địa bàn đã nhanh chóng thích nghi lại với guồng công việc để hướng đến những hiệu quả nhất định trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh cá thể nhanh chóng "bắt nhịp" lại với công việc sau thời gian dài buộc phải nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Về thị trường xuất nhập khẩu, trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp chỉ hoạt động sản xuất gián đoạn, nhiều đơn hàng bị hủy; nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành hàng khan hiếm do nguồn cung bị ảnh hưởng. Hoạt động sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc. Thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, biên giới được mở cửa trở lại, quá trình thông quan sẽ dễ dàng hơn.

Du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Hàng loạt cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành buộc phải hoạt động cầm chừng, hàng ngàn người lao động phải tạm nghỉ không lương. Đặc biệt, lượng hành khách, hàng hóa, phương tiện hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 60% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khi các giãn cách được nới lỏng, ngành du lịch đang có đà phục hồi nhanh chóng do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao trở lại...

Sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu du lịch tăng cao, ngành du lịch đứng trước cơ hội để phục hồi sau những ảnh hưởng, tác động nặng nề của dịch Covid-19

Thực hiện những "nhiệm vụ kép" không hề dễ dàng - vừa không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch, vừa phải tập trung ổn định phát triển kinh tế chung, nhưng với sự đồng lòng và những giải pháp phù hợp, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ nhanh chóng tái khởi động, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu phát triển đã đề ra. 

“Trận chiến chống dịch bệnh có thể còn kéo dài nhưng dân tộc Việt Nam bền chí, càng bình tĩnh để thắng lợi, không phải thắng lợi đơn mà sẽ là thắng lợi kép” – trích lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.