Việt Nam là 1 trong 4 nước bị ngập lớn nhất thế giới do nước biển dâng
Cập nhật lúc: 28/09/2016, 20:32
Cập nhật lúc: 28/09/2016, 20:32
Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu “tác động kép” của biến đổi khí hậu và các hoạt động tại khu thượng nguồn sông Mê Kông, cần xác định kịch bản tốt nhất nhằm chống biến đổi khí hậu toàn vùng đang là một vấn đề nan giải.
“Việt Nam là 1 trong 4 nước bị ngập lớn nhất thế giới do nước biển dâng. Đây không còn là dự báo nữa mà đã và đang diễn ra tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn với tác động cực đoan hơn so với dự báo” – nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây sụt lún, ĐBSCL rất phụ thuộc vào số lượng và chất lượng nước của sông Mekong, vậy nên tình hình của sông Mekong sẽ thay đổi ĐBSCL.
Trong khi đó, ở thượng nguồn sông Mekong Trung Quốc đã xây dựng hết đập thủy điện, ở hạ nguồn Lào cũng đang xây dựng, thông lệ quốc tế không có chế tài nào quy định không được ngăn đập. Vì thế, ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn.
GS.TS Trần Ngọc Trân – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ Thuật Nhà nước – đặt vấn đề, lượng trầm tích của sông Mê Kông ước tính bị 8 đập của Trung Quốc giữ lại vào khoảng từ 1/3 đến 1/2 của tổng lượng trầm tích bình quân chảy về châu thổ sông Mekong, nếu thêm 11 đập ở hạ lưu sông Mekong thì lượng trầm tích sẽ mất thêm gần 50%. “Giữ lại một lượng trầm tích lớn, các đập thủy điện là nguyên nhân gây nên sự lún chìm và bị xâm thực của châu thổ, nghĩa là đến chính sự tồn tại của đồng bằng” – GS.TS Trần Ngọc Trân nhấn mạnh.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 45% diện tích toàn vùng có thể bị nhiễm mặn nếu các đập thủy điện đầu nguồn sông Mekong tích nước, không cung cấp đủ nước để đẩy mặn ra biển.
Ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với tự nhiên và sinh kế của người dân trong vùng là một trong những thách thức rất lớn đối với Chính phủ, chính quyền địa phương và trực tiếp là hơn 20 triệu dân đang sinh sống tại đây.
Hiện nay, vùng ngập lớn nghiêm trọng nhất là bán đảo Cà Mau và tỉnh Cà Mau. Từ năm 2012, triều cường vượt qua 11 điểm, diện tích ngập triều cường tăng lên hàng năm.
Hạn mặn khả năng kéo dài từ 6 tháng và hơn 6 tháng, hạn mặn bất thường. Xu thế trong tương lai khó lường và nghiêm trọng hơn, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL.
Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ĐBSCL gồm nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, kiểm soát sử dụng tài nguyên thiên nhiên đất và nước giúp thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước theo kế hoạch ĐBSCL, đảm bảo an ninh nguồn nước ở ĐBSCL…
Ông Lê Huy Ngọ – nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – nêu quan điểm phải khẩn trương hết sức làm quyết tâm “không thể bình tĩnh vừa làm làm vừa hát cải lương”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu thì giải pháp quan trọng là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và mỗi cộng đồng dân cư…
“Cập nhật kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu là quan trọng, cập nhật kịch bản ứng phó với biển đổi khí hậu cho từng tiểu vùng chứ không chỉ là toàn vùng.
Xây dựng các chiến lược và quy hoạch phát triển vùng, vấn đề sinh kế cho nhân dân; phát triển hạ tầng từ giao thông, đất, nước khai thác nước ngầm và các quy hoạch trong tái cơ cấu nền nông nghiệp thích ứng với hoàn cảnh” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị các Bộ, ngành có liên quan căn cứ vào kết quả tại hội thảo để cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, hoàn thiện các quy hoạch tổng thể, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội trong đó chú trọng phát triển độ thị, công nghiệp hóa, nông nghiệp. Các chương trình, dự án tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức để phát triển…
10:23, 27/09/2016
03:07, 14/09/2016