19/01/2025 | 09:17 GMT+7, Hà Nội

Việt Nam cần làm gì để thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh bình thường mới?

Cập nhật lúc: 02/05/2022, 06:28

Trong giai đoạn 2019-202, dòng vốn toàn cầu FDI có sự biến động mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, vốn FDI vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực.

Vốn FDI vào Việt Nam năm 2020 và năm 2021

Năm 2020, vốn FDI đăng ký đạt 28,5 tỷ USD, giảm khoảng 25% so với năm 2019. Sang tới năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký tăng 9,2% so với năm 2020, đạt 31,2 tỷ USD. Đây là mức tăng tương đối thấp so với mức tăng của dòng vốn FDI toàn cầu là 77%.

Năm 2020, các dự án FDI giải ngân được 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Sang năm 2021, tổng vốn giải ngân đạt 19,74 tỷ USD, bằng 98,8% so với năm 2020; tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh đạt 31,15 tỷ USD, bằng 109,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm 2020. Lượng vốn đăng ký tăng thêm tăng mạnh, đạt trên 9 tỷ USD, bằng 140,5% so với năm 2020.

Năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư 31,15 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được ít số lượng dự án mới, tuy nhiên, đều là các dự án có quy mô vốn lớn nên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn - bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 2,6 tỷ USD và 1,4 tỷ USD.

Trong năm 2021 đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2020; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 25,4% so với cùng kỳ; Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư, tăng 64,6% so với năm 2020. Tiếp theo lần lượt là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Như vậy, trong giai đoạn 2019-2021, Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn là ba nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, chiếm trên 50% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy Việt Nam đã có những thành công nhất định trong chiến lược “xây tổ đón đại bàng”, thu hút các nhà đầu tư lớn, các dự án lớn từ các quốc gia phát triển trong khu vực.

Các dự án lớn được cấp phép trong năm 2021 có thể kể đến là dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD nhằm xây dựng nhà máy nhiệt điện đáp ứng cung - cầu điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ; dự án LG Display của Hàn Quốc tại Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD;

Dự án Nhà máy Sản xuất giấy Kraft Vina công suất 800.000 tấn/năm (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD với mục tiêu sản xuất giấy kraft, giấy lót và giấy bao bì tại Vĩnh Phúc; dự án Nhà máy Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy, dòng vốn FDI vẫn tập trung vào lĩnh vực sản xuất và năng lượng, với các dự án lớn tập trung ở khu vực phía Nam và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Trong giai đoạn còn nhiều bất ổn do đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn các địa điểm đầu tư quen thuộc với cơ sở hạ tầng ổn định và nguồn lao động chất lượng. Các địa bàn đầu tư mới chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Một số khuyến nghị nhằm tăng cường thu hút đầu tư

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn có những tín hiệu lạc quan để đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới. Với những biện pháp quyết liệt và đồng bộ của Chính phủ như: miễn giảm thuế, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép là chống dịch và phát triển sản xuất, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới trong bối cảnh của đại dịch.

Ngoài ra, với lợi thế về vị trí địa lý, cơ cấu dân số vàng với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động, sự chủ động, tích cực của Chính phủ trong việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do kiểu mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP - 2018), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA - 2020), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP - 2020) và các hiệp định song phương như Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA - 2020).

Có thể nói, Việt Nam đã thành công trong chiến lược “xây tổ đón đại bàng”, tạo cơ sở vững chắc để tiếp tục thu hút FDI trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh của đại dịch, để thúc đẩy dòng vốn FDI, nhóm tác giả đề xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt “chiến lược vắc-xin” trên phạm vi toàn

quốc, tiến tới tiêm vắc-xin cho toàn dân không phân biệt độ tuổi; nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục và hướng dẫn về mở cửa đường hàng không cho du khách, chuyên gia người nước ngoài có thể đến Việt Nam thuận tiện. Việc triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin đã giúp Việt Nam duy trì hệ thống sản xuất và mở đường đón đầu dòng vốn FDI từ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 như: Ấn Độ, Trung Quốc... Có thể xem đây là một giải pháp tiên quyết, cấp bách, mang tính chiến lược để đảm bảo duy trì sản xuất, thu hút FDI.

Nếu thực hiện tốt chiến lược vắc-xin, sớm đưa nền kinh tế trở lại bình thường, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội đạt được sự “bùng nổ” trong lượng vốn FDI đăng ký mới sau đại dịch. Bên cạnh đó, việc “mở cửa bầu trời” sẽ giúp khơi thông nguồn dịch chuyển lao động, giúp các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài có thể dễ dàng đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc.

Nếu sớm đạt được trạng thái bình thường mới, mở cửa hoàn toàn nền kinh tế như trước khi có đại dịch, dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể ví như “chiếc lò xo bị nén lại” trong đại dịch, và sẽ bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Covid-19.

Thứ hai, tích cực hoàn thiện chính sách gắn với thực hiện các cam kết hội nhập, nhằm

nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn đầu tư, phát triển môi trường đầu tư kinh doanh; điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng lựa chọn dự án, đối tác phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam; tập trung vào phát triển bền vững, thu hút dòng vốn FDI xanh, thân thiện với môi trường để giảm thiểu các tác động tiêu cực. Tăng cường giám sát các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp thường xuyên báo lỗ để tránh hiện tượng chuyển giá.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình. Về chính sách sửa đổi, bổ sung cần bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp đang hoạt động. Kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh và bãi bỏ các quy định không phù hợp với các điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực mà Việt Nam đang là thành viên.

Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cam kết, thỏa thuận mà Việt Nam tham gia tới từng ngành, từng địa phương, doanh nghiệp, người dân để các chủ thể liên quan thực hiện có hiệu quả các cam kết. Hoàn thiện chính sách đầu tư, thương mại phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không mâu thuẫn với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Phát huy vai trò của các hiệp hội trong việc cung cấp thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối để cung cấp thông tin, cầu nối tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài.

Thứ tư, phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp hỗ trợ, xác định ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Tác động của dịch Covid-19 đến nguồn cung cho các ngành sản xuất trong nước cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam đó là nội lực của các ngành sản xuất còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng nước ngoài;

Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, đồng nghĩa với việc chưa tự chủ về đầu vào sản xuất. Vì vậy, cần hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong và ngoài nước.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn có những tín hiệu lạc quan để đẩy mạnh thu hút FDI trong thời gian tới. Với những biện pháp quyết liệt và đồng bộ của Chính phủ như: miễn giảm thuế, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép là chống dịch và phát triển sản xuất, Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới trong bối cảnh của đại dịch.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-can-lam-gi-de-thu-hut-dong-von-fdi-trong-boi-canh-binh-thuong-moi-66614.html