Việc hàng loạt siêu thị cho đổi trả sản phẩm Asanzo: Đừng lợi dụng thời cơ "đánh bóng" thương hiệu
Cập nhật lúc: 30/06/2019, 12:20
Cập nhật lúc: 30/06/2019, 12:20
Ngay sau lùm xùm về nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm Asanzo khiến dư luận hoang mang, mất niềm tin vào hàng Việt Nam thì Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim bất ngờ đưa ra thông báo sẽ cho người tiêu dùng đổi trả các sản phẩm Asanzo. Theo sau đó là siêu thị Điện Máy Xanh cũng có động thái tương tự...
Cụ thể, chiều 26/6, Hệ thống Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim phát đi thông báo nhận thu đổi tivi Asanzo trên toàn hệ thống trong thời gian chờ kết luận về công ty Asanzo (chương trình kéo dài từ ngày 26/6 đến hết ngày 10/7). Đến ngày 27/6, đến lượt Điện Máy Xanh tuyên bố hỗ trợ khách hàng đổi tivi Asanzo qua nhãn hiệu khác.
Theo đó, điều kiện chung để khách hàng đổi sản phẩm được đưa ra là đổi sang sản phẩm khác có giá tương đương hoặc bù thêm chi phí chênh lệch (nếu có) đồng thời khách hàng phải đảm bảo sản phẩm còn hoạt động và chế độ bảo hành, không bị hỏng hay sứt mẻ thì sẽ được tùy chọn đổi sang các dòng tivi nhãn hiệu Philips (43 inch), xuất xứ Thái Lan có giá gần 6 triệu đồng. Thương hiệu Sharp, với tivi Led (45 inch), xuất xứ Malaysia có giá 7,5 triệu đồng (giá đã giảm 32%). Rẻ hơn là dòng TCL, model L43S62 có giá 5.990.000 đồng.
Hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn cũng xác nhận thông tin về không còn kinh doanh sản phẩm Asanzo trên hệ thống. Hiện tại, khi truy cập vào website mua hàng, sản phẩm Asanzo đã không còn được tìm thấy, kèm dòng thông báo "Sẽ thông báo khi sản phẩm được bày bán"...
Trong thời gian qua các phương tiện truyền thông báo chí đã đưa tin về nguồn gốc, xuất xứ "mập mờ" của các sản phẩm của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo (Asanzo Việt Nam), gây lo ngại đến các khách hàng đã mua sản phẩm của thương hiệu này. Ngay lập tức, nắm được cơ hội "lấy lòng" người tiêu dùng, lần lượt các Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim hay siêu thị Điện Máy Xanh đã bất ngờ ra thông báo về chính sách đổi trả sản phẩm Asanzo trong khi trước đó, đây là 2 đơn vị trong số các đối tác phân phối số lượng lớn sản phẩm của Asanzo cung cấp đến người tiêu dùng.
Thực tế, trên thị trường Việt Nam hiện nay, nhiều hãng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là điện lạnh, điện máy, điện tử, hàng gia dụng hay đưa ra câu từ mơ hồ đánh lừa người tiêu dùng như: công nghệ Mỹ, công nghệ Nhật Bản, công nghệ Đức... để người dân tin rằng hàng hóa được sản xuất từ các quốc gia đó hoặc nhập dây chuyền máy móc, công nghệ của những quốc gia này về để sản xuất tại Việt Nam. Thế nhưng, khi phỏng vấn các nhà sản xuất thì đa phần đều có lập luận chung là họ không có lừa, họ chỉ nói công nghệ Nhật, Pháp, Đức…thôi nhưng từ "công nghệ" ở đây là quá mờ hồ đối với người tiêu dùng.
Thế nhưng, ở vị trí của các đơn vị trung gian cung cấp sản phẩm của nhà sản xuất đến khách hàng thì ngay từ đầu, nhà phân phối phải thể hiện trách nhiệm của mình trước cộng đồng, xã hội thông qua việc nhập những sản phẩm có chất lượng và nói không với mặt hàng kém chất lượng, không rõ ràng về nguồn gốc. Trong trường hợp này, khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc về xuất xứ sản phẩm thì các nhà phân phối cũng cần nhận khuyết điểm về mình chứ không nên đẩy trách nhiệm hoàn toàn cho nhà cung cấp. Các đơn vị phân phối khi nắm rõ được thông tin, xuất xứ sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn thì sẽ không "tiếp tay" cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm "nguồn gốc một đằng, ghi xuất xứ một nẻo" làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng trong suốt thời gian qua.
Nếu chỉ nhìn vào bề nổi việc hàng loạt các siêu thị bất ngờ đưa ra thông báo đổi trả sản phẩm Asanzo thì việc làm này là động thái lo ngại cho quyền lợi của khách hàng bị ảnh hưởng sau khi nghi vấn Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt Nam chưa được làm rõ, thông báo trên đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình của khách hàng cùng khá nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên, về bản chất, lẽ ra một hệ thống điện máy lớn cần phải chặt chẽ quản lý, rõ ràng về giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ ngay từ ban đầu trước khi phân phối ra thị trường, cung cấp đến khách hàng chứ không phải khi sự việc bị "khui" ra, lỗi hoàn toàn đổ cho nhà sản xuất, còn mình "ghi điểm" với người tiêu dùng trong việc sẵn sàng đổi trả các sản phẩm không đảm bảo.
Phải chăng, các siêu thị đang lợi dụng vụ việc của Asanzo để "đánh bóng" thương hiệu, quảng bá hình ảnh một cách "trá hình" với người tiêu dùng?
Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin ./.
Trước đó, theo điều tra của báo Tuổi Trẻ TP HCM, Công ty cổ phần điện tử Asanzo đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa... về bóc tem "made in China" và dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường. Ngay sau khi có phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. |
19:00, 27/06/2019
07:01, 27/06/2019
21:36, 25/06/2019