19/01/2025 | 06:07 GMT+7, Hà Nội

Vi phạm quy định kinh doanh chứng khoán, MHBS kinh doanh thua lỗ, nợ tồn đọng tăng

Cập nhật lúc: 29/08/2016, 23:49

Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, MHBS vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, dẫn đến nợ tồn đọng nhiều, khó có khả năng thu hồi.

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã công bố Kết quả kiểm toán các doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng.

Năm 2014 được đánh giá là năm có bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, còn nhiều bất ổn và biến động phức tạp.

Trong nước, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao đã gây áp lực lớn cho sản xuất kinh doanh nên hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút.

Theo đó, 05/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ.

33/38 TĐ, TCT, công ty kinh doanh có lãi, bảo toàn được vốn, tiếp tục đóng góp vào phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô, song qua kiểm toán cho thấy:

Theo đánh giá, nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn; một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi.

Một số TĐ, TCT quản lý, sử dụng hàng tồn kho chưa hiệu quả, tồn kho lớn, ứ đọng, chậm luân chuyển; trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho chưa đúng quy định; sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm, thanh lý tài sản không đúng quy định; nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp; còn tình trạng trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính không đúng quy định, cho vay vốn không đúng chức năng, nhiệm vụ; một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn...

Hầu hết các TĐ, TCT có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ; một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư...

Kết quả kiểm toán, KTNN điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn 1.854 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập tăng 1.518 tỷ đồng; lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng 44 tỷ đồng; tổng chi phí tăng 68 tỷ đồng; lợi nhuận kế toán trước thuế tăng 1.494 tỷ đồng; các khoản thuế và phải nộp NSNN tăng 6.220 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh

Các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động; 10/11 tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi.

Song, hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn tồn tại, sai phạm trong công tác quản lý:

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tổng nợ xấu toàn hệ thống tại 31/12/2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng (tăng 28,7 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 24,6% so với cuối năm 2013), chiếm 3,25% tổng dư nợ (giảm 0,36% so với năm 2013), theo đánh giá của NHNN là 4,83%; tỷ lệ nợ xấu của VDB cao và tăng nhanh; việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả.

VDB cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN.

NHCSXH có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn.

MHBS vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, dẫn đến nợ tồn đọng nhiều, khó có khả năng thu hồi, kinh doanh thua lỗ không có nguồn để trả trái phiếu đến hạn 400 tỷ đồng...

Một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu khó đòi cao; một số khoản phải thu tồn đọng từ nhiều năm chưa có biện pháp thu hồi và xử lý dứt điểm; hạch toán, ghi nhận tài sản cố định chưa kịp thời, đúng quy định; một số dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng; một số khoản đầu tư, góp vốn hiệu quả thấp, suy giảm giá trị; hầu hết các đơn vị xác định doanh thu, chi phí chưa đúng quy định, KTNN điều chỉnh tăng lợi nhuận sau thuế 17,28 tỷ đồng, giảm lợi nhuận sau thuế 219,59 tỷ đồng.