21/01/2025 | 13:19 GMT+7, Hà Nội

Về Tây Nguyên xem trẻ lội bùn, leo dốc, đội đèn đi học

Cập nhật lúc: 18/09/2019, 10:10

Trời mưa, đường trơn trượt nhưng không ngăn nổi những bước chân nhỏ bé của các em học sinh trên đường đi tìm con chữ.

Thầy Khánh 6 năm bám bản đưa học sinh ra lớp. Ảnh: Đức Huy

Khó khăn bủa vây

Vào một ngày giữa tháng 9/2019, chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum). Đây là một trong 34 trường của huyện Tu Mơ Rông khai giảng muộn nhất cả nước do ảnh hưởng của sạt lở, mưa lũ. Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2019-2020 trường có 10 lớp với 163 học sinh. Trong đó, 100% các em là đồng bào dân tộc Xê Đăng. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình các em thường đưa con lên nương rẫy. Không những vậy, đường đi lại vô cùng khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa. Nhiều em học sinh nhà cách trường hơn 10km nên phải đi bộ từ 4-5 giờ sáng mới kịp giờ học.

Đưa mắt xem đồng hồ, cô Vân nói: "Giờ phải lên bản vận động các em mai ra lớp luôn thôi, kẻo trời tối, khi về sẽ không xuống núi được".

Con đường từ trường lên làng Tu Cấp dài khoảng 3km nhưng mưa lớn khiến đường sình lầy, trơn trượt như đổ mỡ. Mặc dù con đường đã quá đỗi quen thuộc với thầy cô nơi đây, nhưng cũng không thể vững bước. Lâu lâu lại có người trong đoàn la lên vì trượt chân ngã, mọi người phải dừng lại đỡ nhau cùng tiếp tục hành trình.

Các em học sinh vẫn rạng ngời trong buổi lễ khai giảng dưới mưa.

Chỉ mới 2 năm gắn bó với trường nhưng cô Nông Thị Hồng (SN 1994) luôn được học trò của mình quý mến. Cuối tuần các học sinh lại quấn quýt cô chẳng muốn về. "Ra trường, tôi vào đây dạy luôn. Khi đó tôi nghĩ sẽ không theo nổi vì đường sá khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn lắm. Nhưng mỗi ngày đến lớp thấy học sinh của mình lấm lem bùn đất, bụng sôi lên vì đói thì thương vô cùng. Tôi nghĩ các em còn nhỏ vậy mà có thể chịu được và đến lớp học con chữ thì tại sao mình không thể cố gắng để giúp các em biết đọc, biết viết. Từ đó, mỗi khi nhớ nhà, tôi qua khu bán trú của các em để ngủ lại. Càng trò chuyện, tâm sự với các em, tôi càng thấy yêu nơi này hơn", cô Hồng tâm sự.

Đã có thâm niên 6 năm cắm bản, vượt qua con đường lầy lội này, thầy Cao Văn Khánh (chủ nhiệm lớp 4B, quê Quảng Bình) lau vội giọt mồ hôi trên trán nói: "Học sinh ở đây nghèo lắm, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Nhiều em đến lớp chỉ mặc chiếc áo mỏng mảnh, run rẩy, tay không cầm nổi cây bút. Những lúc như vậy, tôi thương các em vô cùng nên quyết định gắn bó nơi đây để giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn".

Ước ngày mai nắng lên

Đường lầy lội nhưng không ngăn được bước chân của các thầy cô.

Sau khoảng 2 tiếng leo dốc, chúng tôi cũng đến được làng Tu Cấp. Các thầy cô nhanh chóng chia nhau gõ cửa từng nóc nhà để thông báo cho phụ huynh đưa con đến trường dự lễ khai giảng muộn. Những căn nhà le lói ánh điện, bếp đỏ lửa để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Những đứa trẻ mới vào lớp 1 nấp sau lưng mẹ khi thấy cả đoàn đến. Thầy cô đi một vòng quanh làng thông báo xong cho các gia đình thì trời cũng bắt đầu tối. Mọi người gọi nhau tập trung lại để leo xuống núi kẻo trời mưa, lạnh và không thấy đường đi. Dưới ánh sáng đèn pin le lói, cả đoàn đi thành hàng dọc để dìu nhau xuống.

Mọi công đoạn chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng muộn đã hoàn tất. Tuy nhiên, khi học sinh vừa đến, trời lại đổ mưa. Sau hơn 1 tiếng, thấy mưa đã bớt nặng hạt, các thầy cô quyết định tổ chức lễ khai giảng. Các em học sinh với chiếc áo ấm mới, gương mặt rạng ngời chạy ùa ra xếp ghế thành hàng rồi ngồi thẳng tắp hướng về sân khấu.

Y Doan (bên trái, đeo cặp) mong đường sạch hơn, đẹp hơn để em và các bạn đến trường không bị té ngã, bẩn nữa.

Em Y Doan (học sinh lớp 4) cho biết, nhà em ở làng Văn Xăng, cách trường khoảng 7km. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn nên bố mẹ thường xuyên ở trên rẫy. Do đó, hai chị em Doan tự lo cơm nước và đi bộ ra trường học. Cứ 4h sáng mỗi ngày, hai chị em gọi nhau dậy sửa soạn quần áo, sách vở rồi ăn cơm nguội để lấy sức đến trường. Dò dẫm trong màn đêm lạnh cùng chiếc đèn đội đầu mờ sáng, Doan cùng chị và một số bạn trong làng rảo bước đến trường.

Mưa xuống, đường trơn khiến các em bị té ngã liên tục. Nhà nghèo, áo ấm không có nên các em có ro dưới giá lạnh. Mỗi khi lạnh quá, các em lại ới nhau chạy nhanh để ấm người. Tuy nhiên, chạy được một đoạn lại té ngã, quần áo dính đầy sình lầy nhưng những tiếng cười cứ thế vang vọng suốt đường đi. Khi đến gần trường, các em ra bờ suối rửa tay chân, dùng nước lau sơ sình lầy bám trên quần áo rồi vào lớp. Mặt ai nấy đều tái nhợt vì lạnh và đói. Nhưng các em vẫn vui tươi vì được đến trường, gặp thầy cô và bạn bè.

Y Doan ngại ngùng nói: "4 năm đến trường từ 4 giờ sáng, nhưng em chẳng thấy mệt vì có các bạn đi cùng. Em mới chuyển ra khu nhà của trường ở 2 tuần nay nên việc đi học đỡ vất vả hơn. Nhưng không có đủ chỗ ở nên nhiều bạn vẫn phải lội bùn đến trường. Em cũng thấy tội các bạn lắm. Ước gì có con đường đẹp và sạch hơn, khi đó em về nhà ở với bố mẹ rồi sáng chạy ù ra trường. Quần áo cũng chả bẩn nữa, sách vở cũng không bị ướt và dính bùn. Em sẽ học thật giỏi, sau này làm cô giáo về bản dạy cho các em nhỏ như các cô đang dạy chúng em".