Về Quy Nhơn tìm Hàn Mạc Tử
Cập nhật lúc: 24/05/2019, 07:00
Cập nhật lúc: 24/05/2019, 07:00
Người thi sĩ tài hoa, coi thơ như một tôn giáo có cuộc đời ngắn ngủi như ngôi sao chổi xoẹt ngang bầu trời với cái đuôi chói lòa quê gốc ở Thanh Hóa. Nhưng Hàn Mạc Tử nổi tiếng ở đất Bình Định đến nỗi tôi cứ băn khoăn có phải vì có thơ Hàn Mạc Tử nên Quy Nhơn đã nổi tiếng lại càng đẹp hay chính Quy Nhơn đã làm nên một tên tuổi sừng sững trong thi đàn như ông?
Cuộc đời ông gắn bó với 3 tỉnh đều có chữ Bình. Sinh ra ở Quảng Bình. Yêu nàng Mộng Cầm xứ Bình Thuận. Gắn bó và sống những ngày cuối cùng ở Bình Định. Ông gắn bó với dải đất miền Trung đến nỗi đi khắp Quy Nhơn tôi đều thấy những dấu ấn về Hàn Mạc Tử.
Trại phong Quy Hòa, nơi Hàn sống những ngày cuối cùng giờ trở thành một địa danh trong hành trình du lịch Quy Nhơn. Cứ như hiển hiện đâu đây một chàng thi sĩ cô độc đang dạo trên bãi biển, chịu đựng nỗi đau thể xác để thăng hoa trong cảm xúc tinh thần với những vần thơ tuyệt tác. Một bãi biển hiền hòa vắng vẻ với nước biển xanh ngắt, bãi cát trắng tinh và hàng thông tỏa bóng.
Những bông hoa giấy rực rỡ trong nắng hè. Lạ là sự đỏ rực của hoa không đem tới cảm giác nóng nắng thường thấy mà đem tới sự mát mẻ thư giãn, sự đẹp lạ lùng giữa cái nắng chói của Bình Định.
Con người đến đây tìm về sự tĩnh lặng trong tâm hồn, thấy trở về với tuổi thanh xuân mộng mơ bởi cảnh ở đây quá mơ mộng để cho bất kỳ ai dù sắt đá nhất cũng phải cảm xúc. Gió cứ rì rào, biển cứ vỗ sóng mơn man và lòng người từ đó mà thư thái, mà an nhiên. Cứ như chả còn gì sướng hơn nữa.
Sát kề bãi biển là Công viên Nhân Ái, nơi ghi nhớ công ơn của những người có họat động xã hội, nhân đạo vì bệnh nhân phong. Các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới với những tên tuổi nổi tiếng như Hippocrate, R. Koch, hay Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Nghiệp, Đặng Vũ Hy... đều được ghi danh ở đây.
Miên man bước chân qua không gian công viên, ngắm những bức tượng bán thân khiêm nhường, giản dị như thấy cả một hành trình gian lao của nhân loại trong việc loại bỏ bệnh phong, căn bệnh từng một thời mà ai mắc phải đều chịu sự xa lánh, kỳ thị, ghẻ lạnh của người đời.
Người ta đã thật khéo khi đặt nơi ghi nhớ công lao của các nhà khoa học, những người có công đẩy lùi căn bệnh phong và đánh tan những nhận thức không đúng về căn bệnh này tại đây. Điều đó khiến ta hình dung rõ hơn cái khổ đau giày vò về thể xác và tinh thần tới chàng nghệ sĩ tài hoa chẳng may mắc phải căn bệnh mà lúc ấy còn gọi là hủi. Dù chỉ hưởng dương 28 năm nhưng sự nghiệp thơ của ông vẫn còn mãi, gấp nhiều, nhiều lần như thế.
Ấn tượng nhất phải kể đến căn phòng nhỏ bé nơi Hàn Mạc Tử sống những ngày cuối cùng. Một không gian nhỏ và giản dị đúng như tính cách của Hàn và đầy ắp Hàn. Từ cuộc đời ông, những tác phẩm của ông đến những cảm xúc của bạn bè được lưu giữ. Chiếc gường nhỏ bé đơn sơ chứng kiến những ngày cuối đời của chàng thi sĩ tài hoa đoản mệnh. Bức tượng bán thân với đôi mắt như cứ muốn nhìn xoáy sâu mãi vào số phận con người. Từ đôi mắt ấy, vầng trán ấy đã vút lên một thứ tôn giáo đặc biệt. Đó là tôn giáo thơ.
Tại căn phòng nhỏ bé này ta cứ ấn tượng mãi với lời nhận xét của Chế Lan Viên về Hàn Mạc Tử: “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mạc Tử".
Quy Hòa gợi cho ta cảm giác về một Hàn Mạc Tử bằng xương bằng thịt, một thi sĩ đau đớn quằn quại trong bệnh tật thể xác và khoáng đạt tài hoa trong thi ca; một Hàn Mạc Tử trên chiếc gường bé nhỏ và một Hàn Mạc Tử mơ mộng bước đi trên bãi biển đầy trăng để từ đó những tác phẩm vô tiền khoáng hậu ra đời.
Nếu như Quy Hòa đầy ắp con người Hàn thì có một nơi nữa ở Quy Nhơn đầy ắp thơ Hàn. Đó là ghềnh Ráng Tiên Sa - đồi Thi Nhân. Có cảm giác ở đây cứ một bước chân là một bước thơ. Những câu thơ như được cháy lên sáng bừng từ ngòi bút lửa của Dzũ Kha. Thơ khắc trên gỗ, thơ khắc vào đá. Mỗi câu thơ trở thành một bức tranh thủy mặc cho hồn thơ bay bổng: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho” hay “Trăng nằm sóng soài trên cành liễu / Đợi gió đông về để lả lơi”.
Cho đến cả ngôi mộ của Hàn Mạc Tử với hàng cau cao vút cũng gợi cho ta ý tứ của bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” nổi tiếng của ông.
Thi sĩ nằm đó, gối đầu vào ghềnh Ráng để đêm đêm nghe trăng tự tình và sóng biển hát ru. Dưới chân đồi là nhà thờ núi Ghềnh Ráng. Tôi cứ ngỡ rằng tu viện nhỏ bé này được xây dựng nên cũng bởi có Hàn Mạc Tử. Cái linh hồn nhỏ bé đơn độc ấy vẫn đến tu viện nguyện cầu và tiếp tục làm thơ.
Đất Quy Nhơn là đất võ, đất thơ. Ngoài những người như Chế Lan Viên, Yến Lan hay Xuân Diệu, cho đến giờ vẫn sừng sững một Hàn Mạc Tử để đi đâu cũng thấy ông và thơ của ông. Khi ngang qua đồi cát Phương Mai, nhìn những triền cát trắng tinh trải dài miên man trong nắng vàng, bất giác tôi lẩm nhẩm đọc:
Chị ấy chiều nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Khi bước chân nhẹ nhàng dạo trên bờ biển cong cong mềm mại như vầng trăng khuyết hay như dáng hình nằm nghiêng của nàng tiên nữ, tôi bất giác nhớ về câu thơ:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi...
Lại cũng là một câu thơ của Hàn Mạc Tử...
Phan Anh Loan
19:00, 21/05/2019
06:01, 11/05/2019
15:21, 19/02/2019