Về nơi chữ nghĩa
Cập nhật lúc: 27/07/2019, 14:00
Cập nhật lúc: 27/07/2019, 14:00
Có lẽ trong những di tích hàng đầu đất nước chẳng nơi đâu lại có một bề dày lịch sử như Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nơi đây hàng ngàn năm tồn tại sừng sững oai nghiêm qua các triều đại với biểu tượng bất diệt của con chữ.
Trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã ghi dấu ấn nhiều hiền tài đất nước ở nơi này. Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bất cứ ai, không chỉ là người Hà Nội, đều mang một thái độ trọng thị, kính phục tiền nhân và cảm xúc dào dạt về sự học hành, đỗ đạt và nhất là niềm cảm khái chữ nghĩa như một sự thiêng liêng của tín ngưỡng học vấn.
Ngày nhỏ, đám choai choai nghịch ngợm chúng tôi không từ cả đền chùa, nhưng mỗi khi leo tường vào đây không hiểu sao những kẻ đến quỷ ma phải sợ này đều nem nép không dám nghịch bậy bạ. Quá lắm cũng chỉ dám bắt cá trong Hồ Văn, chơi bời leo trèo trong Vườn Giám và khi lọt qua các lần cửa ở khu nội tự thì cũng chỉ dám thậm thụt leo lưng rùa đội bia tiến sĩ để cưỡi chơi giây lát chứ tịnh không dám phá phách.
Ấn tượng ở khu nội tự là Khuê Văn Các với lối kiến trúc nhà gỗ độc đáo khiến đám trẻ ranh mắt tròn mắt dẹt thán phục. Thật ra lúc ấy, tôi chẳng hiểu gì về ngôi nhà gỗ với những ô cửa tròn ở bốn mặt và những con tiện tỏa ra tứ phía, chỉ biết là nó lạ. Sau mới hay đó là hình ảnh tượng trưng cho sao Khuê tỏa sáng.
Khu thờ Chu Văn An cùng Khổng Tử và 72 vị học trò của ông thì chúng tôi cạch không bén mảng. Vì sao cũng chẳng rõ, chỉ cảm giác là sờ sợ sao đó dù những nơi thờ cúng hương khói nghi ngút như đền chùa miếu mạo chúng tôi cũng chả ngại ngần.
Thích nhất là khu bia tiến sĩ. Ngày đó không có rào chắn ngăn cách bia với người xem. Ai cũng có thể vào được thoải mái sờ sẫm khấn vái bia. Các cụ rùa đội bia luôn kích thích mãnh liệt trí tưởng tượng của trẻ nhỏ. Nhằm lúc vắng khách và không có nhân viên quản lý, bảo vệ, cánh nhóc chúng tôi mới chia nhau mỗi thằng một cụ rùa để phót lên lưng phi như phi ngựa. Tưởng tượng ra thế thôi chứ rùa đá cõng bia thì phi cái nỗi gì.
Tôi nhớ những kỳ đi thi học sinh giỏi, bao giờ các thầy cô cũng dẫn đám thí sinh vào đây chắp tay khấn vái. Thầy còn dặn hẳn hoi nhớ xoa thật kỹ đầu rùa để đỗ đạt. Thảo nào sau này trước các kỳ thi quan trọng như lớp 10 và đại học, đa phần đám trẻ mê tín đều bố trí thời gian vào tham quan và tranh thủ xoa đầu rùa. Thậm chí có người còn nghiên cứu hẳn hoi các bia thật kỹ lưỡng để chọn trong số 82 cụ rùa cõng bia kia xem bia nào khá khẩm nhất để cầu xin lộc lớn. Thế nên chẳng lạ khi đầu các cụ rùa mòn nhẵn vẹt hẳn so với các bộ phận khác vì bị xoa quá nhiều.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là công trình văn hóa, là di sản quý giá cha ông để lại. Có lịch sử gần một ngàn năm từ thời Lý (1076), công trình là niềm tự hào của người Việt về truyền thống chữ nghĩa và tinh thần hiếu học. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Chữ nghĩa được thấm nhuần và khuôn trong tiêu chí chọn hiền tài. Việc đào tạo giáo dục để có hiền tài được cha ông ta đúc kết rất rõ ràng.
Trên bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442) nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài và khuyến khích kẻ sỹ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp. Vì thế, các bậc đế vương, thánh minh chẳng ai không coi việc kén chọn kẻ sỹ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần kíp...”. Thật chí lý những lời đúc kết trên bia. 82 tấm bia tiến sĩ, ghi họ tên, quê quán của 1307 vị Tiến sĩ của 82 khoa thi từ 1442 - 1779 gồm 81 khoa triều Lê và 1 khoa triều Mạc. Năm 1919 là năm cuối cùng triều Nguyễn mở khoa thi tiến sĩ theo Nho học.
Phát huy truyền thống cha ông và nhằm tôn vinh đạo học chữ nghĩa, ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn tổ chức những sự kiện văn hóa lớn. Không ít hội thảo văn học, văn hóa được làm ở nơi này. Hội nhà văn Việt Nam nhiều năm nay tổ chức hội thơ Việt Nam vào Tết Nguyên Tiêu rằm tháng Giêng rất trọng thể và hoành tráng. Hội thơ có sự vinh danh thơ ca bằng lễ thả thơ. Những bài thơ hay của các tác giả tiêu biểu được chọn và đính vào bóng bay thả lên trời.
Tôi có không ít năm đồng hành cùng Hội thơ trẻ được làm cùng ngày rằm tháng Giêng ở sân nhà Thái Học. Khuôn viên nhà Thái Học chính là nơi đặt trường Quốc Tử Giám xưa.
Thời gian và chiến tranh tàn phá, nhà Thái Học được dựng lại năm 2000 với kiến trúc cổ có sự hài hòa với các khu khác trong nội tự. Sân chơi Thơ trẻ được các bạn yêu thơ ủng hộ nhiệt thành. Ngày hội thơ, các nhà thơ trình diễn thơ với những tiết mục mang những phong cách khác nhau từ truyền thống đến hiện đại, hậu hiện đại. Từ những sân thơ này không ít tác giả đã trưởng thành trở thành những nhà thơ tên tuổi. Điều thú vị là các bạn có chương trình trong hội thơ đều nghiêm cẩn khấn vái kính cáo tiền nhân như một sự tri ân và cầu mong thành tựu cùng sự an bình.
Trải qua nhiều biến thiên thời cuộc và sự trị vì của các triều đại nối nhau, thật may mắn Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn còn gần như nguyên vẹn hình hài cũng như tinh thần ban đầu. Chỉ tiếc việc học hành ngày nay đã không còn được như xưa. Các trường đại học nhiều như lá mùa thu nhưng chất lượng không đồng đều. Việc bằng mọi cách để có một tấm bằng đại học như một thứ bùa vào đời đã khiến cho việc học từ cấp phổ thông đến sau đại học thành mê trận cướp đi tuổi thơ, những kiến thức đời sống của không ít người.
Nhọc nhằn của sự học với phương cách nhồi nhét thật khó để đào tạo ra được những hiền tài thật sự như tiền nhân đã từng. Có ai đó đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám bây giờ hẳn sẽ thấm thía cái nhẽ của cha ông ta khi đào tạo và sử dụng hiền tài. Về nơi chữ nghĩa, cần lắm tinh thần của một Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tinh thần của sự bất diệt chữ nghĩa./.
Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/ve-noi-chu-nghia-37942.html
03:01, 27/07/2019
09:01, 17/07/2019
10:00, 12/06/2019