Về chuyện “Nghịch lý cà phê Việt”: Không thiếu hàng “xịn”
Cập nhật lúc: 03/10/2018, 19:00
Cập nhật lúc: 03/10/2018, 19:00
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch phản bác lại phóng sự của VTV và cho biết nhiều người uống cà phê ở Việt Nam có thể phân biệt được đâu là cà phê nguyên chất và đâu là cà phê pha trộn.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân, nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, anh không đồng tình với luận điểm: “Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng người tiêu dùng trong nước lại chưa thực sự có nhiều cơ hội để thưởng thức cà phê đạt chuẩn xuất khẩu quốc tế”. Anh nói: “Lấy đâu ra kết luận như vậy? Tôi có thể dẫn đi uống cà phê chuẩn như tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Theo anh Thạch, đưa ra ý kiến của ngon mang ra nước ngoài bán hết là “dìm hàng” người tiêu dùng trong nước. “Khẩu vị cà phê của dân mình đã hình thành từ những năm sau giải phóng đất nước. Dân nghèo, làm gì được uống cà phê nguyên chất, phải trộn này trộn kia, trộn bắp, trộn nành để uống, nên khẩu vị nó cũng đi từ đây mà thành. Nhưng mấy năm gần đây, dân cũng điều kiện rồi, uống thử là biết ngay cà phê nguyên chất, cà phê trộn liền”, anh Thạch khẳng định .
Cũng không đồng tình với luận điểm “Nghịch lý cà phê Việt Nam: Của ngon bán ra nước ngoài”, chị Ngô Mai Phương, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng: “Không chỉ mang giá trị kinh tế, cà phê là một phần không thể thiếu trong nghệ thuật ẩm thực trên thế giới. Tại Việt Nam, nó gắn chặt trong đời sống rất nhiều người dân từ thành thị tới nông thôn, kể cả già lẫn trẻ. Điều đó kéo theo cách thưởng thức loại đồ uống này rất phong phú”. Theo chị Phương, mỗi người ở mỗi địa phương, vùng miền hay quốc gia có sở thích về hương vị cà phê khác nhau.
Chẳng hạn, trên thế giới, người Đức, Bỉ thường uống cà phê pha với sôcôla nóng. Người Moroccans uống cà phê với hạt tiêu, người Êtiôpia thì với muối. Những người uống cà phê ở vùng Trung Đông hay cho thêm hạt bạch đậu khấu và hạt tiêu. Người Pháp thường uống cà phê pha thêm sữa và thực phẩm khác. Còn một số quốc gia vùng Châu Phi lại thích uống cà phê thêm một chút bạc hà, để có vị the, người Ả Rập thích trộn lẫn chocory với cà phê tạo ra mùi vị quái lạ…
Khi phóng viên thực hiện một khảo sát nhỏ đối với 10 người Việt Nam sinh sống tại TP Hồ Chí Minh về hương vị cà phê mà họ ưa chuộng, thì có hơn nửa trong số họ chọn cà phê đã pha hương liệu, thay vì cà phê nguyên chất. Là người tham gia cuộc khảo sát, anh Nguyễn Hoàng Tiến, trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Uống cà phê còn là nghệ thuật thưởng thức của mỗi người. Vậy nên, khi uống cà phê có phụ gia, không nguyên chất cũng chỉ là một cách chọn lựa của người tiêu dùng, chứ nó không phải bởi việc xuất khẩu cà phê Việt ra nước ngoài”.
Từ phong cách thưởng thức, cá tính của đối tượng phục vụ, cho thấy một thực tế, người tiêu dùng uống cà phê không nguyên chất, xuất phát từ chính thói quen của họ, chứ không phải bởi thiếu cà phê “xịn” để sử dụng. Anh Nguyễn Đức Trọng, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Phần đông khách hàng đến với quán cà phê của anh cho rằng, cà phê ngon đối với họ phải đậm mùi, béo ngậy và không đắng”.
Tiêu chuẩn cà phê ngon của người tiêu dùng là như vậy, đó chính là lý do để các điểm kinh doanh sử dụng phụ gia và các hương liệu đáp ứng nhu cầu của khách. Theo anh Trọng: “Sử dụng thêm hương liệu, phụ gia khác không đơn giản là đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, mà còn là sự sáng tạo, nhạy bén của nhà kinh doanh, biết nắm bắt làm sao cho sản phẩm bán chạy”.
Thực tế cho thấy, ngành cà phê Việt Nam đã nổi lên một số thương hiệu nổi tiếng như: Trung Nguyên, Vinacafé, Nestlé Việt Nam... Đó cũng là các “ông lớn” trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê. Họ đã phải nỗ lực rất nhiều mới xây dựng thương hiệu, đưa ngành cà phê Việt vươn ra biển lớn.
Phóng sự của VTV khảo sát về gu thưởng thức cà phê của Người Việt mới đây nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Suốt mấy chục năm nay, các “ông lớn” bền bỉ, cố gắng đưa cà phê Việt trở thành sản phẩm đồ uống đặc biệt, tạo thương hiệu mạnh trong nước và quốc tế. Đối với thế giới, cà phê Việt Nam tiếp cận được rất nhiều thị trường “khó tính” như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, việc xuất khẩu cà phê Việt ra thị trường thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn.
Trước những nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp cà phê Việt Nam. Như vậy, chủ doanh nghiệp - họ có oan ức không, khi bị “chê bai” rằng, chỉ nhanh chóng gom hàng ngon xuất ra nước ngoài, hay như một “tội đồ” dẫn đến việc người tiêu dùng Việt Nam không có sản phẩm ngon để mua, phải tìm tới hàng nhập khẩu?
Ông Lê Văn Hải - Chủ trang trại cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Giá thành cà phê thô tại địa phương, cũng như trong cả nước sẽ phụ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu và việc thu mua sản phẩm của doanh nghiệp. Hơn ai hết, sự làm ăn phồn thịnh của các “ông lớn” cà phê là tương lai tương sáng của người nông dân trồng loại cây này. Tôi luôn mong cho các doanh nghiệp phát triển, để cà phê Việt Nam ngày càng vươn xa hơn nữa trên thị trường quốc tế”, ông Hải nói.
15:56, 26/09/2018
22:00, 25/09/2018
00:21, 19/09/2018
09:56, 17/09/2018