19/01/2025 | 09:42 GMT+7, Hà Nội

VCCI đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xuống còn 2.000 đồng/lít xăng

Cập nhật lúc: 07/03/2022, 06:13

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn.

VCCI đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xuống còn 2.000 đồng/lít

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022, đang được Bộ Tài chính gửi đi lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp.

Dự thảo được xây dựng gấp rút ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 160 ngày 22-2 về đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, VCCI đánh giá cao đề xuất của cơ quan soạn thảo về việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Đề xuất này rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu, nguyên nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

Dự thảo hiện đang đề xuất phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn từ 1/4 tới hết năm 2022. VCCI cho rằng, mặc dù đây là phương án tích cực nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.

Lý do được VCCI đưa ra là giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang.

Giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khoẻ của doanh nghiệp và cả nền kinh trong giai đoạn này đang yếu ốm, cần hồi phục.

Hơn nữa giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn.

Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3-6 tháng nếu giá xăng dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.

VCCI đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xuống còn 2.000 đồng/lít xăng
VCCI đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường xuống còn 2.000 đồng/lít xăng

Giá xăng liệu có còn tăng?

Trong tuần qua, giá dầu đã tăng hơn 20% và tiệm cận ngưỡng 120 USD/thùng, do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Đông Âu. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm qua, kể từ tháng 5/2012.

Ngoài ra, các quốc gia OPEC chưa đưa ra được được thống nhất về việc nâng sản lượng khai thác dầu mỏ ở mức 600 nghìn thùng/ngày vào cuộc họp cuối năm 2021.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng xăng đầu đang có xu hướng tăng cao sau đại dịch cũng trở thành yếu tố khiến giá dầu không ngừng tăng.

Ông Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates cho rằng, nga là nhà cung cấp khí đốt lớn cho EU, việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang Châu Âu bị gián đoạn có thể buộc một số công ty tiện ích phải sản xuất nhiều điện hơn bằng cách đốt dầu chứ không phải khí đốt.

"Điều đó sẽ làm tăng nhu cầu và giá dầu trên toàn thế giới. Rủi ro này là khó dự báo nhất do Tổng thống Nga V.Putin vốn dĩ là người khó đoán", Chủ tịch của Lipow Oil Associates nói.

Sau khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra, JPMorgan đã nâng mức dự báo giá dầu Brent năm 2022 có thời điểm sẽ ở mức 150 USD/thùng (đối với kịch bản xấu nhất), đây sẽ là mức giá cao nhất trong lịch sử. 

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định: Về triển vọng giá dầu đến hết năm 2022, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo giá dầu sẽ còn tăng, dựa trên một số nhận định như chiến sự Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng dầu toàn cầu và khả năng chấm dứt còn khó đoán; 

Hoặc  Dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng 3-3,5% năm 2022 (đã tính đến tác động của chiến sự Nga – Ukraine), trước khi trở về quỹ đạo tăng trưởng 2,5-3%/năm giai đoạn 2023-2025, khiến nhu cầu về xăng dầu tiếp tục tăng.

Ngoài ra, khả năng tăng cung ứng của các nước thuộc khối OPEC+ chưa thể làm ngay được như nêu trên; và khả năng sử dụng quỹ dự trữ dầu chiến lược cũng chỉ có thể tiến hành 2-3 lần.

Như vậy, có thể thấy hiện nay giá dầu đang chịu áp lực kép tiếp đà tăng, do phía cầu tăng lên trong khi phía cung chưa tăng tương ứng, thậm chí có thể bị giảm do đứt gãy nguồn cung. Hệ quả là giá dầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2022.

Nguồn: https://congluan.vn/vcci-de-xuat-giam-thue-bao-ve-moi-truong-xuong-con-2000-dong-lit-xang-post184224.html