25/01/2025 | 00:32 GMT+7, Hà Nội

VCCA muốn xây dựng bản đồ số về ẩm thực Việt Nam

Cập nhật lúc: 18/06/2022, 06:57

Năm 2024, Đề án xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022 – 2024 của VCCA dự kiến ứng dụng chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành "Bản đồ ẩm thực Việt Nam".

Chiều 17/6, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) công bố Đề án xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022 – 2024.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA - Nguồn: Kỳ Hoa
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA - Nguồn: Kỳ Hoa

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA đánh giá: "Kinh tế Việt Nam dựa vào nông lâm, ngư nghiệp hiện nay còn đang phát triển riêng lẻ, chưa có sự kết nối. Việc đưa văn hóa vào ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia sẽ là chất xúc tác liên kết các chuỗi cung ứng, sản xuất của nông, lâm, ngư nghiệp".

Theo ông Kỳ, thương hiệu quốc gia về văn hóa ẩm thực gắn với thương hiệu điểm đến về du lịch, góp phần phát triển kinh tế du lịch, thu hút khách quốc tế cũng như nhà đầu tư nước ngoài đến nước ta.

Giai đoạn năm 2022, đề án dự kiến xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương - Nguồn: Kỳ Hoa
Giai đoạn năm 2022, đề án dự kiến xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương - Nguồn: Kỳ Hoa

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Trương Hiền Hoà, Phó giám đốc Sở Du lịch TP. HCM cho rằng, ẩm thực là lĩnh vực trọng tâm của ngành du lịch thành phố. "Hiện, TP. HCM thiếu 'menu' cho khách du lịch trong nước và quốc tế đến vui chơi, như tới Hà Nội người ta sẽ nhắc về bún chả, hay Quảng Nam sẽ nghĩ ngay đến món cao lầu. Tôi rất mong đề án này sẽ hỗ trợ cho du lịch, ẩm thực thành phố có diện mạo mới", ông Hoà nhấn mạnh.

Theo đó, giai đoạn năm 2022, đề án dự kiến thu thập cơ sở dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi Hội đồng chuyên môn của Hiệp Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Giai đoạn năm 2023, đề án tiếp tục thu thập dữ liệu 1.000 món ẩm thực và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam. Theo đó, chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cùng các chuyên gia VCCA. Từ đó, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ cùng nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên bản đồ thế giới.

Đến giai đoạn năm 2024, đề án sẽ ứng dụng chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành "Bản đồ ẩm thực Việt Nam". Đồng thời, đề án còn hướng đến xây dựng Bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và Bảo tàng ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách tham quan.

Nguồn: https://congluan.vn/vcca-muon-xay-dung-ban-do-so-ve-am-thuc-viet-nam-post199623.html