21/11/2024 | 15:56 GMT+7, Hà Nội

Vải thiều Bắc Giang… vượt “bão” Covid-19

Cập nhật lúc: 11/06/2021, 06:15

Trở thành tâm điểm của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, Bắc Giang cùng lúc phải giải quyết nhiều bài toán, vừa chống dịch trong các KCN, vừa phải tìm đường đi an toàn cho tiêu thụ vải thiều.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ, Bắc Giang là một trong những tâm điểm của “cơn bão” này. Cùng thời điểm, vụ mùa thu hoạch vải thiều lại diễn ra, khó khăn chồng chất khó khăn thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã hoàn thành tiêu thụ mùa vải chín sớm. 

Đây là dấu mốc quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu kép. Việc toàn bộ sản lượng vải chín sớm của tỉnh được tiêu thụ hết cả trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài với mức giá tương đương mọi năm trong điều kiện phải căng mình chống dịch là một thành công lớn.

Cụ thể, năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, tính đến hết ngày 7/6, toàn tỉnh tiêu thụ hơn 55.000 tấn vải thiều, đạt gần 30% tổng sản lượng, trong nước hơn 36.000 tấn và 19.000 tấn xuất khẩu. Giá bán mỗi cân vải dao động từ 12.000 đến 32.000 đồng. 

Đặc biệt, đến nay, vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia. 

Tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang còn trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, đầy tiềm năng. 

vải
Năm nay sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 180 nghìn tấn (Ảnh IT)

Bắc Giang vì cả nước, cả nước vì Bắc Giang

Chia sẻ với PV, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang khẳng định, một trong những yếu tố tạo động lực tiên quyết thúc đẩy Bắc Giang hoàn thành mục tiêu kép - vừa chống dịch, vừa tiêu thụ nông sản là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của cả nước.

“Bắc Giang vì cả nước, cả nước cũng đang vì Bắc Giang trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Cho đến thời điểm hiện nay, Bắc Giang đang khống chế rất tốt các đối tượng F0, khoanh vùng quản lý chặt chẽ để không lây ra cộng đồng. Đây là một trong những yếu tố góp phần tạo nên thành công của quá trình sản xuất nói chung và tiêu thụ vải thiều đầu mùa nói riêng. 

Cả nước đang hướng mình về Bắc Giang nên toàn tỉnh Bắc Giang nhận được sự quan tâm rất đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tỉnh thành phố trong việc chung tay tiêu thụ vải thiều chất lượng cao”, Giám đốc Sở Công thương chia sẻ.

Trước những khó khăn trong việc đối phó với dịch bệnh của toàn tỉnh Bắc Giang, các cấp lãnh đạo đã kịp thời vào cuộc chỉ đạo các tỉnh thành trên cả nước tạo điều kiện tốt nhất cho tiêu thụ vải đầu mùa; các cửa khẩu được ưu tiên tối đa; các tham tán của Việt Nam ở tất cả các nước trên thế giới cũng chung tay tạo điều kiện cho quá trình xuất khẩu.

Ông Trần Quang Tấn
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang

“Đi cùng với đó là các cơ quan thông tin truyền thông đã thông tin rất chính xác về chất lượng vải thiều Bắc Giang, những vùng vải thiều an toàn, không ảnh hưởng dịch bệnh. Không chỉ trong phạm vi cả nước mà cả thị trường quốc tế cũng được định hướng rất rõ ràng. Đây là một đóng góp lớn, thay cho "tiếng nói" của vải thiều Bắc Giang trong mùa dịch Covid-19”, ông Trần Quang Tấn khẳng định.

Nắm bắt tình hình, chủ động xây dựng kịch bản

Cùng sự quan tâm đặc biệt của cả nước, chiến tuyến Bắc Giang cũng đã chủ động xây dựng những kịch bản cụ thể để ứng phó với “cơn bão” Covid-19. 

Cụ thể, Bắc Giang đã chủ động xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều với từng thị trường. Kịch bản 1, nếu dịch được kiểm soát, vải thiều tiêu thụ thuận lợi với 50% trong nước và 50% xuất khẩu. Kịch bản 2, dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, 70% tiêu thụ trong nước và xuất khẩu 30%. Kịch bản cuối cùng là khi dịch ảnh hưởng toàn diện và xuất khẩu bị đóng băng, vải thiều sẽ tiêu thụ hoàn toàn trong nội địa.

Trước những kịch bản được vạch định rõ ràng, quá trình tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã thích nghi rất tốt với diễn biến của Covid-19. Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói Bắc Giang vẫn đang đi đúng với những gì đặt ra.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn nhận định, công tác tiêu thụ vải thiều của toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay đang là 70% trong nước và 30% xuất khẩu ra nước ngoài. Thành quả này hoàn toàn đúng với kịch bản thứ 2 mà Bắc Giang đã đề ra trong diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát tốt.

Vạch rõ 3 hướng đi an toàn

Là một trong những tâm dịch của đợt bùng phát lần thứ 4, Bắc Giang hoàn toàn không dễ để vượt qua, đặc biệt khi mùa vụ nông sản lại đang ùa về. Thế nhưng, có thể khẳng định, toàn tỉnh đã gần đã như khống chế được dịch bệnh và vải thiều Bắc Giang đã vượt “bão” thành công.

Tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều thông quan; đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử; tiêu thụ vải tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước là 3 hướng đi được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thực hiện cho việc giải cứu vải đầu mùa.

Vải thiều
Vải thiều được tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử (Ảnh IT)

Để ứng phó trong bối cảnh dịch Covid- 19 bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của tỉnh,  phát huy tinh thần hữu nghị, hợp tác với các bạn hàng truyền thống, có sự liên hệ, trao đổi, phối hợp chặt chẽ từ các bạn hàng quốc tế, các tỉnh, thành phố bạn và doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh nông sản.

“Chúng ta không vì đại dịch mà từ bỏ việc xuất khẩu vải thiều sang thị trường thế giới. Hơn hết, Nhà nước lại tạo điều kiện tốt nhất để đẩy mạnh xuất khẩu mùa dịch nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tối đa. Vì vậy, phương án xuất khẩu vẫn luôn được Bắc Giang tập trung triển khai. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia là 8 thị trường đã chấp nhận bảo hộ cho vải thiều Bắc Giang. Đây là một thành quả lớn, tạo điều kiện thúc đẩy cho tiêu thụ nông sản”, ông Trần Quang Tấn đánh giá.

Bên cạnh thông quan, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang thị trường nước ngoài, lần đầu tiên, vải thiều của miền quê Lục Ngạn cũng được góp mặt trên các sàn thương mại điện tử: Sendo, Shopee, Lazada,…

Thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, nhờ có công nghệ thông tin mà các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ đã được tiếp cận nhanh chóng nhất với người tiêu dùng. Đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí thời gian vật chất, nâng cao độ tin cậy cho quá trình giao thương. Đặc biệt, phương thức này càng trở lên tiện ích, ưu thế vượt trội khi dịch Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Việc Bắc Giang chủ động áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới trong tiêu thụ vải thiều là hướng đi đúng, cách đi đầy sáng tạo, hiệu quả trong bối cảnh hiện tại.

Cùng với việc thông quan, mở rộng thị trường trên các sàn thương mại điện tử, công tác xúc tiến tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, chợ đầu mối cũng được triển khai mạnh mẽ. Đơn cử như chuỗi hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+ đã liên kết với các Hợp tác xã, nhà cung cấp tại địa phương để ký kết thu mua vải thiều chứng nhận Global Gap đưa vào các điểm bán trên toàn quốc. Việc liên kết giữa nguồn cung với các chuỗi cửa hàng bán lẻ không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản tốt mà còn giúp phần nào tránh tình trạng "giải cứu nông sản" hay "được mùa, mất giá" của nhà nông.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/vai-thieu-bac-giang-vuot-bao-covid-19-20201231000002637.html