19/01/2025 | 06:15 GMT+7, Hà Nội

Vạch mặt 7 cơ sở sản xuất nước đóng chai không đạt tiêu chuẩn

Cập nhật lúc: 19/05/2016, 12:39

Khách hàng sử dụng nước uống đóng chai hàng ngày không khỏi lo ngại khi hàng loạt cơ sở sản xuất nước đóng chai trên địa bàn Thủ đô đã bị Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội kết luận không đạt quy chuẩn an toàn.

Mùa hè về là mùa cao điểm cho hàng ngàn cơ sở sản xuất nước đóng chai đẩy mạnh sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Song trước ma trận nước đóng chai các loại, người tiêu dùng khó lòng nhận biết đâu là sản phẩm thật sự sạch, thật sự tinh khiết, hoặc chỉ đơn giản là không gây hại cho sức khoẻ của mình.

Sự lo lắng của người tiêu dùng về nước đóng chai đảm bảo chất lượng là có cơ sở, khi mới đây, ngày 17/5, Chi Cục ATVS TP Hà Nội đã công bố danh sách 7 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm ATTP.

Trước đó, Chi cục ATVSTP TP Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra 79 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và sản xuất nước đá. Cuộc kiểm tra của đoàn cho thấy, thủ đoạn “qua mặt” cơ quan chức năng và coi thường người tiêu dùng của các cơ sở sản xuất đang ở mức khá nghiêm trọng,

Một dây chuyền sản xuất nước đóng chai tự động

Một dây chuyền sản xuất nước đóng chai tự động

Trong đó, có 64 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai và 15 cơ sở sản xuất nước đá. Trong 60 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đoàn kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 19 cơ sở với số tiền 35 triệu đồng.

Cụ thể, có 10 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn, 4 cơ sở không đạt điều kiện vệ sinh, 3 cơ sở chưa xét nghiệm nguồn nước sử dụng cho sản xuất và 3 cơ sở vi phạm về giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ và nhãn sản phẩm.

Tại 15 cơ sở sản xuất nước đá, đoàn kiểm tra phát hiện có 2 cơ sở có mẫu kiểm nghiệm không đạt quy chuẩn và đã lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 6 triệu đồng.

Danh sách gồm:

  1. Cơ sở nước uống đóng chai NP Phúc Lợi, công ty TNHH thương mại Phong Như (phường Phúc Lợi, quận Long Biên).
  2. Cơ sở nước uống đóng chai SUPER, công ty TNHH Phúc Đầy (KCN Sài Đồng, Long Biên).
  3. Cơ sở nước uống đóng chai ROOSTER, công ty CP công nghệ sản xuất thương mại tổng hợp Đại Hải (phường Giang Biên, quận Long Biên).
  4. Cơ sở nước uống đóng chai LANKA, công ty TNHH sản xuất và thương mại Trang Long (phường Kim Giang, quận Hoàng Mai).
  5. Cơ sở nước uống đóng chai ALIBABA, công ty TNHH ALIBABA (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân).
  6. Cơ sở nước uống đóng chai ANPHAVITA, công ty CP liên hiệp thực phẩm và nước giải khát Hà Nội (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai).
  7. Cơ sở nước uống đóng chai AN SINH (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì).

Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hà Nội cho biết,  Chi cục sẽ thường xuyên kiểm tra việc khắc phục tồn tại của các sở sở có vi phạm nói trên và tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở khác, lấy mẫu kiểm nghiệm tại cơ sở và mẫu lưu thông trên thị trường, để xử lý nghiêm các cơ sở có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Để có đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nước tinh khiết, nước đá các cơ sở phải có đầy đủ hồ sơ pháp lý và tuân thủ các quy định của Nhà nước, cụ thể là thực hiện nghiêm chỉnh Luật An toàn thực phẩm.

Thế nhưng, hiện nay không ít cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, nước đá vì lợi nhuận mà lờ đi việc chấp hành những quy định phải tuân thủ, sẵn sàng tung ra thị trường những sản phẩm không đạt chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.

Với thực tế, hiện cả nước có hàng ngàn cơ sở sản xuất, với nhiều hơn thế các cơ sở kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, chủ yếu là các cơ sở quy mô nhỏ, cơ quan quản lý không dễ dàng để quản lý triệt để và người tiêu dùng vẫn nơm nớp lo khi sử dụng các sản phẩm nước đóng chai, đóng bình./.