22/11/2024 | 13:09 GMT+7, Hà Nội

Tuyển sinh ĐH năm 2019: Trọng số điểm thi THPT quốc gia đang giảm dần?

Cập nhật lúc: 25/12/2018, 22:08

Qua công bố phương án tuyển sinh của nhiều trường, thấy rằng căn cứ điểm thi THPT quốc gia không chiếm trọng số quan trọng như trước nữa, nghĩa là thay vì xét hoàn toàn dựa vào điểm thi, các trường có những yêu cầu khác như: Học bạ, vòng phỏng vấn riêng, khảo sát năng lực, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, các giải quốc tế và khu vực… Đây là những biện pháp để sàng lọc đầu vào toàn diện và khách quan hơn.

Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia cơ bản sẽ giữ ổn định đến năm 2020. Mục đích chính của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và kết quả thi là cơ sở quan trọng các trường ĐH có thể lựa chọn để tuyển sinh. Năm 2019 này, Bộ cho biết đề thi sẽ theo hướng chủ yếu để xét tốt nghiệp THPT. Điều này được cho là phù hợp, khi lâu nay, để đảm bảo hai mục đích: Xét tốt nghiệp và phân loại thí sinh, chọn học sinh khá giỏi đỗ các trường ĐH, Bộ GD&ĐT khá vất vả trong khâu ra đề.

Chưa kể, theo Luật Giáo dục ĐH, các trường tự chủ phương án tuyển sinh, Bộ không làm thay các trường như những năm trước nữa. Vì thế, phương án tuyển sinh của các trường ĐH cũng chủ động hơn, dù vẫn tin tưởng vào kỳ thi THPT quốc gia, coi đó là một căn cứ xét tuyển, nhưng không còn lệ thuộc hoàn toàn vào kết quả ấy. Kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một căn cứ trong rất nhiều phương án tuyển sinh đa dạng mà các trường ĐH, CĐ đưa ra trong năm 2019 tới.

tuyen sinh dh nam 2019 trong so diem thi thpt quoc gia dang giam dan
Năm 2019 các trường đã giảm sự lệ thuộc vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh ĐH. (Ảnh: P.T)

Năm 2019, ĐH Quốc gia TP HCM tiếp tục sử dụng các phương thức tuyển sinh đã thực hiện trước đó, gồm tuyển thẳng và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐH này; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tự tổ chức.

Ngoài ra, năm nay ĐH Quốc gia TP HCM dự kiến bổ sung phương thức xét tuyển trực tiếp thí sinh từ các chứng chỉ quốc tế dành cho các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chứng chỉ được xét như kết quả thi tú tài quốc tế và một số kết quả tuyển sinh chung của thế giới.

ĐH Quốc gia TP HCM sẽ được tổ chức 2 đợt: đợt 1 trước kỳ thi THPT quốc gia, ngày 31-3-2019 và đợt 2 sau kỳ thi THPT quốc gia, ngày 7-7-2019. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức lấy kết quả kỳ thi này dao động trong khoảng từ 25-40% tổng chỉ tiêu. Như thế nghĩa là trọng số căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia của trường đã giảm đáng kể.

Năm 2019, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục sử dụng phương án dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH chính quy, đồng thời mở rộng phương thức xét tuyển thẳng. Năm 2018, ĐH tuyển sinh theo các phương thức như xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do ĐH Quốc gia Hà Nội quy định;

Xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng đạt từ 70/140 điểm trở lên và chưa nhập học vào bất kỳ đơn vị đào tạo nào của ĐH Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge (Cambridge International Examinations A-Level, UK); Xét tuyển thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên mới đủ điều kiện đăng ký để xét tuyển.

Như vậy, kết quả thi THPT quốc gia không còn là cánh cửa duy nhất để thí sinh bước vào ĐH. Đa phần các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ đều công bố phương án tuyển sinh từ khá sớm. Để học sinh cả nước có thể biết và chọn phương án tuyển sinh cho phù hợp. Nếu chỉ căn cứ vào kỳ thi THPT quốc gia, các trường sẽ thiếu nguồn tuyển.

Ngay cả các hình thức xét tuyển trong từng trường cũng đa dạng hơn, các trường có những căn cứ đánh giá khác ngoài điểm thi THPT quốc gia. Ví dụ điểm thi THPT quốc gia kết hợp xét học bạ 3 năm THPT, hoặc xét điểm các môn thành phần trong quá trình học.

Hoặc điểm thi THPT quốc gia đủ ngưỡng yêu cầu, nhưng thí sinh cần trải qua một vòng phỏng vấn nữa như Học viện Báo chí và tuyên truyền yêu cầu đối với các bộ môn báo hình, phát thanh hay phỏng vấn thí sinh cho các khoa có lớp đào tạo chất lượng cao.

Kiểu xét tuyển sinh linh hoạt này có những thuận lợi: Giảm bớt sự phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia, các trường chủ động nguồn tuyển và toàn diện hơn để sàng lọc đầu vào. Nhưng cũng dễ dẫn đến những hạn chế như: Một trường có quá nhiều phương thức tuyển sinh, khiến thí sinh rối: Thi riêng, căn cứ thi THPT quốc gia, kết hợp kết quả thi và học bạ, kết hợp đánh giá năng lực và học bạ, xét tuyển căn cứ vào giải thưởng và học bạ…

Vì thế, yêu cầu đặt ra với các trường khi giảm dần sự phụ thuộc vào điểm thi THPT quốc gia đó là: Chủ động phương án tuyển sinh nhưng cơ bản ổn định và không gây xáo trộn quá mức, không làm rối thí sinh bằng nhiều phương thức tuyển.

Nam Dương