21/11/2024 | 18:04 GMT+7, Hà Nội

Tuyển sinh 2020: Cân nhắc lựa chọn ngành nghề phù hợp

Cập nhật lúc: 20/05/2020, 09:30

Trên cơ sở Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GD&ĐT ban hành, các trường đại học (ĐH) đã điều chỉnh đề án tuyển sinh, nhiều phương án tuyển sinh được đưa ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thí sinh nên lượng sức mình...

Trên cơ sở Quy chế tuyển sinh năm 2020 mà Bộ GD&ĐT ban hành, các trường đại học (ĐH) đã điều chỉnh đề án tuyển sinh, nhiều phương án tuyển sinh được đưa ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thí sinh nên lượng sức mình để lựa chọn ngành nghề hợp lý.

Vẫn chọn nghề theo trào lưu

Là người trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh như: Học ngành nào, trường nào để ra trường dễ xin việc làm và có thu nhập cao. "Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ, nghề nghiệp là phương tiện để kiếm sống, tạo ra thu nhập chứ không nghĩ rằng, nghề nghiệp là phương tiện để phát triển con người, phát triển bản thân và đem lại hạnh phúc cho chính mình. Chính vì chọn nghề theo thu nhập nên mới tạo ra tâm lý chung là chọn nghề theo thị hiếu, theo trào lưu. Ngành nào nhiều người chọn, nhiều người nhắc đến chắc chắn sẽ "hot", PGS Phạm Mạnh Hà dẫn giải.

Thí sinh cân nhắc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.

Cũng theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, nhiều thí sinh băn khoăn, muốn được tư vấn về sự mâu thuẫn giữa bố mẹ với con cái trong lựa chọn nghề nghiệp. Thực ra, việc bố mẹ có định hướng nghề nghiệp cho con là điều tích cực. Nếu thực sự để tâm, bố mẹ sẽ là nhà tư vấn chuẩn nhất cho con cái. Tuy nhiên, không phải thí sinh nào cũng chấp nhận những lời tư vấn của bố mẹ. Nhiều em cho rằng, những lời khuyên của bố mẹ không đúng, không chính xác và từ chối lắng nghe. "Trong nhiều trường hợp, các em đã sai lầm khi phản ứng cực đoan và không nghe lời khuyên của bố mẹ, nhất là những lời khuyên có cơ sở. Vì thế, các em hết sức thận trọng khi từ chối sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân, đặc biệt là những người hiểu biết", PGS.TS Phạm Mạnh Hà lưu ý.

Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cũng cho rằng, ở khía cạnh khác, phụ huynh có những tính toán riêng về "đường đi" cho con mình. Tất nhiên, tính toán đó có thể đúng ở thời điểm này nhưng sẽ là sai lầm cho những giai đoạn tiếp theo. "Chẳng hạn, khi định hướng nghề nghiệp cho con, bố mẹ thường chú ý đến cơ hội việc làm sau khi ra trường, mà ít quan tâm đến năng lực thực tế của con. Đó cũng là sai lầm", PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Chia sẻ về xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh năm 2020, TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Hà Nội) cho biết, nhìn chung xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh vẫn bị ảnh hưởng bởi truyền thông. Những ngành được truyền thông nhắc đến nhiều như: Công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo… đang là xu hướng lựa chọn của nhiều thí sinh. Những ngành ít được nhắc đến như: Điện công nghiệp, điện - điện tử… không phải là ưu tiên số 1 để các em lựa chọn, mặc dù cơ hội việc làm của những ngành này sau khi ra trường "đắt như tôm tươi".

Không nên ngộ nhận ngành "hot"

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, do vậy các em cần cân nhắc kỹ việc chọn ngành nghề cho tương lai. Trên cơ sở tri thức và những định hướng nghề nghiệp đã có, các em cần tính đến bối cảnh xã hội, xu hướng phát triển ngành nghề để có quyết định phù hợp nhất.

Theo các chuyên gia, học sinh không nên ngộ nhận ngành mới hoặc tên ngành "sang trọng" thì mới tìm được việc làm sau khi ra trường.

"Nếu các em có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường ĐH nào đó, việc đầu tiên nên căn cứ vào lực học của mình, sau đó tham khảo phổ điểm của ngành đào tạo mà mình dự định đăng ký. Cảm thấy vừa với sức học của mình mới đăng ký và nên để ngành đó là nguyện vọng 1, sau đó, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên. Các em cũng nên đăng ký dự phòng một ngành nào đó để tránh rủi ro. Tất nhiên, ngành đó phải tiệm cận với ngành nghề mà mình yêu thích và có thể theo học được (nếu trúng tuyển), đồng thời phát huy được năng lực nghề nghiệp sau khi ra trường", PGS.TS Hoàng Anh Tuấn lưu ý.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) chia sẻ: Các em cần thực tế khi xác định công việc yêu thích của mình. Hãy tự hỏi mình thích làm việc gì nhất. Điều quan trọng là các em cần có thế mạnh và khả năng phù hợp với yêu cầu công việc này. Các em cũng nên cân nhắc những điều mà mình không thích, thậm chí là ghét nhất bởi vì nhiều công việc có vẻ rất thú vị nhưng lại có một số yếu tố không phù hợp với bản thân. Đặc biệt, các em không nên ngộ nhận ngành mới hoặc tên ngành "sang trọng" thì mới tìm được việc làm sau khi ra trường. Các em cũng không nên chạy theo thị hiếu để chọn ngành, cần bình tĩnh, cân nhắc để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.