19/01/2025 | 13:19 GMT+7, Hà Nội

Từ ngày 1/1/2018 bắt đầu thu phí thăm quan Yên Tử

Cập nhật lúc: 15/12/2017, 09:31

Từ ngày 1/1/2018, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện việc thu phí khách thăm quan danh thắng Yên Tử từ 20.000 – 40.000 đồng/lượt.

HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết thu phí Danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí) với mức phí 40.000 đồng/lượt/người lớn và 20.000 đồng/lượt/trẻ em.

Những đối tượng được miễn phí gồm: Trẻ dưới 1,2m (hoặc dưới 7 tuổi), người khuyết tật, tăng ni, cư sỹ, phật tử hoặc đại biểu Phật giáo. Các trường hợp được giảm 50% vé tham quan là người cao tuổi và những người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa.

Từ ngày 1/1/2018 bắt đầu thu phí thăm quan Yên Tử

Từ ngày 1/1/2018 bắt đầu thu phí thăm quan Yên Tử

Theo đó, 80% số tiền thu phí từ việc bán vé sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước, 20% được trích lại cho Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử làm công tác chuyên môn.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 12/2016, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 13 đề xuất thu phí tham quan khu di tích Yên Tử nhưng chưa được đồng ý. Thượng tọa Thích Thanh Quyết cũng đề xuất nên tích hợp các phí như cáp treo, xe điện và phí trông giữ phương tiện để thuận tiện cho người dân khi tham quan danh thắng.

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho nhiều dự án quan trọng để duy trì và bảo tồn khu di tích Yên Tử như: Mở đường 2 làn xe từ Dốc Đỏ vào Yên Tử, đường điện chiếu sáng, trùng tu tôn tạo chùa Suối Tắm, kè đá chống sạt lở chùa Hoa Yên, dự án mở rộng đường giao thông Yên Tử, trung tâm lễ hội…

Trong khi đó, mỗi năm Yên Tử thu hút hàng triệu du khách, tăng ni, phật tử đến tham quan nhưng không thu phí. Theo lãnh đạo Ban quản lý di tích, hiện chỉ có hai khoản thu chính là Dịch vụ cáp treo và tiền công đức.

Ông Trần Văn Lâm, Bí thư TP. Uông Bí cho biết, tỉnh từng thu phí tham quan Yên Tử và dừng từ năm 2007. Từ nhiều năm nay, ngân sách nhà nước phải bỏ ra những khoản lớn để đầu tư, tôn tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở và nuôi bộ máy Ban quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Vì vậy, việc thu phí trở lại cũng nhằm một phần giảm gánh nặng cho ngân sách

Đôi điều về di tích Yên Tử

Di tích Yên Tử

Di tích Yên Tử

Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên nằm rải rác từ dốc Đỏ theo chiều cao dần đến đỉnh núi. Quần thể di tích Yên Tử nằm gần đường 18A, thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Danh thắng Yên Tử là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ cuối thế kỷ 13. Nằm trong cánh cung núi trùng điệp của khu Đông Bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào Danh sơn đất Việt.

Núi Yên Tử có chiều cao 1.068 m từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt. Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông – một ông vua đang thời thịnh trị (cuối thế kỷ 13) đã từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng .

Vị Tổ thứ hai và thứ ba kế tục sự nghiệp của ông là Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Huyền Quang Lý Đạo Tái. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu sự phát triển triết học và tư tưởng của dân tộc đương thời. Ngày nay qua nhiều thăng trầm, các di tích còn lại ở Yên Tử đã tìm thấy gồm 11 chùa và hàng trăm am, tháp, bia, tượng, hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc của các thời đại. Hiện nay hệ thống cáp treo ở Yên Tử đã đi vào hoạt động, đưa du khách tới chùa Hoa Yên ở độ cao 534m so với mực nước biển, nơi có hai cây đại 700 năm tuổi.

Từ đây du khách tiếp tục leo núi, tới các ngôi chùa nằm rải rác trên đường đi tới chùa Đồng. Đường lên chùa Đồng du khách có cảm tưởng như đi trong mây. Gặp khi trời quang mây tạnh, từ đỉnh núi này, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh đẹp của vùng Đông Bắc. Ngày nay danh thắng Yên Tử là một điểm du lịch lễ hội nổi tiếng ở Quảng Ninh cũng như Miền Bắc, hàng năm cứ vào mùa xuân, khách thập phương thường đến Yên Tử rất đông vừa để hành hương, vừa để vãn cảnh. Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ ngày 10 tháng giêng âm lịch và kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.