19/01/2025 | 01:24 GMT+7, Hà Nội

Từ 15/10/2018, chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn

Cập nhật lúc: 02/10/2018, 09:01

Nghị định 111/2018 nêu rõ, chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0).

Tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn

Siết chặt các hoạt động tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương, tránh phô trương, lãng phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2018.

Nghị định nêu rõ chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0). Các năm khác thì chỉ tổ chức tuyên truyền, thi đua, hội thảo, tọa đàm…

le-ky-niem

Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn (năm có chữ số cuối cùng là số 0) (Ảnh: Internet)

Trong các hoạt động kỷ niệm không được tặng quà và tổ chức chiêu đãi; chỉ được tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền…

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/10.

Bỏ quy định mua thuốc cho con phải khai số CMND

Cũng có hiệu lực từ 15/10, thông tư 18/2018/TT-BYT sửa đổi thông tư 52/2017/TT-BYT về đơn thuốc và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

Thông tư 52 yêu cầu khi kê đơn thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi phải ghi số tháng tuổi, ghi tên và số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

mua-thuoc

Từ 15/10,bỏ quy định trong đơn thuốc của trẻ dưới 6 tuổi phải ghi số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ (Ảnh minh họa)

Quy định này đã gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận, vì nhiều người cho rằng việc cha mẹ đi mua thuốc cho con phải khai số CMND gây nhiều phiền phức, bất tiện.

Thông tư mới đã bỏ quy định trong đơn thuốc của trẻ dưới 6 tuổi phải ghi số CMND hoặc sổ căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ mà chỉ yêu cầu ghi số tháng tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người đưa trẻ đến khám, chữa bệnh.

Dùng tay trần bán thức ăn bị phạt đến 1 triệu đồng

Từ ngày 20/10 tới, các quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sẽ được áp dụng theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ.

Người bán thức ăn đường phố không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, ăn ngay bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng (trước đây chỉ phạt từ 300.000-500.000 đồng)…

gang

Từ 20/10, người bán hàng không che đậy thức ăn, không dùng găng khi tiếp xúc đồ ăn chín sẽ bị phạt.(Ảnh: VnExpress)

Phạt 1-3 triệu đồng đối với cửa hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay…

Phạt 5-10 triệu đồng với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có khuyến cáo thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh…