20/01/2025 | 12:18 GMT+7, Hà Nội

Trước nhà thờ Đức Bà Paris, nhiều công trình nổi tiếng bị hỏa hoạn thiêu rụi

Cập nhật lúc: 18/04/2019, 06:00

Trong lịch sử đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn phá hủy những công trình di sản văn hóa lớn của thế giới, cùng điểm lại một số di sản thế giới bị hỏa hoạn thiêu rụi.

 

Nhà thờ Đức Bà, Paris
Chiều tối 15/4, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà thờ Đức Bà ở thủ đô Paris, Pháp. Đám cháy đã thiêu rụi và làm đổ sụp một phần công trình kiến trúc 850 tuổi.

 

Dựa theo kết quả điều tra sơ bộ, các công tố viên Pháp tin rằng đám cháy bắt đầu một cách ngẫu nhiên. Họ bác bỏ khả năng đây là một vụ cố tình phóng hỏa hoặc có liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên, cảnh sát Pháp vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân sự cố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường và cam kết sẽ phục hồi toàn bộ nhà thờ. Ông cũng kêu gọi triển khai một chiến dịch tái thiết chú trọng gây quỹ từ các nhà tài trợ và công sức đóng góp của "các tài năng lớn" trên toàn thế giới.

Theo các tài liệu ghi chép, nước Pháp đã phải tốn tới 200 năm để xây dựng và hoàn thành nhà thờ Đức Bà. Công trình được khởi công từ năm 1163 thời Vua Louis VII cùng Giám mục Maurice de Sully và hoàn tất vào năm 1345. 

Lâu đài Windsor

 

Ngày 20.11.1992, một ngọn lửa lớn đã làm cháy lâu đài Windsor, phía tây London (Anh), thiêu rụi phần phía đông bắc của công trình.

Ngọn lửa xuất phát trong quá trình sửa chữa định kỳ tòa lâu đài, sau đó lan rộng. Khoảng 250 lính cứu hỏa nỗ lực trong suốt 15 giờ mới kiểm soát được đám cháy nhưng thiệt hại là 9 căn phòng bị cháy rụi hoàn toàn. Lâu đài mở cửa trở lại vào năm 1997.

Nhà hát opera Barcelona

 

 

Năm 1994, nhà hát Gran Teatre del Liceu của Barcelona (Tây Ban Nha) bị lửa thiêu rụi. Nhà hát Liceu là một trong những di sản văn hóa lớn nhất của Tây Ban Nha. Nhà hát 150 năm tuổi bị thiêu rụi gần như hoàn toàn, chỉ còn lại sảnh chờ và mái vòm hình móng ngựa ở thính đường. Nhà hát được xây dựng lại và mở cửa vào năm 1999.

Bảo tàng quốc gia Brazil

 

 

Vào lúc 19h30 ngày 2/9/2018, Bảo tàng Quốc gia Brazil ở thành phố Rio de Janeiro, nơi trưng bày 20 triệu hiện vật lịch sử, đã bị nhấn chìm trong một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.

Mặc dù không có thương vong song đám cháy đã thiêu rụi 90% bộ sưu tập của bảo tàng. Một số ít mẫu vật vô giá của bảo tàng may mắn còn nguyên vẹn, trong đó có hóa thạch 11.500 năm tuổi được cho là bộ xương người cổ nhất được khai quật ở châu Mỹ. 

Được thành lập vào năm 1818, bảo tàng còn có bộ sưu tập lịch sử thiên nhiên đồ sộ gồm xương khủng long quan trọng và một bộ xương người 12.000 năm tuổi. Nhiều mẫu vật của các giống loài quý hiếm bị thiêu rụi sau vụ cháy, trong đó có xương của loài lười khổng lồ và loài hổ răng kiếm.

Bảo tàng Quốc gia Brazil là tổ chức khoa học lâu đời nhất tại Brazil và là một trong những bảo tàng về lịch sử tự nhiên, nhân chủng học lớn nhất châu Mỹ. Nơi đây trưng bày một số bộ sưu tập nổi tiếng bao gồm đồ tạo tác Ai Cập và hóa thạch cổ nhất của loài người được tìm thấy tại Brazil.

Bảo tàng này được thành lập vào năm 1818 và nằm ngay trong cung điện Paco de Sao Cristovao, nơi gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha từng sống vào thế kỷ 19.

Nhà hát opera Venice

 

 

Năm 1996, nhà hát opera La Fenice nổi tiếng của Venice (Ý) chìm trong biển lửa. La Fenice khánh thành vào năm 1792 và là một trong những nhà hát opera đẹp và nổi tiếng nhất trên thế giới.

Hai thợ điện bị tuyên án 6 và 7 năm tù giam vì tội lơ là gây hỏa hoạn. Nhà hát la Fenice mở cửa trở lại vào năm 2004.

 

Thư viện quốc gia Bosnia

 

 

Vụ cháy xảy ra trước đám cháy ở lâu đài Windsor 3 tháng, trong giai đoạn chiến tranh ở Bosnia. Thư viện được xây dựng từ thế kỷ 19 lưu giữ khoảng 2 triệu cuốn sách, thư tịch cổ. Chỉ 10% tài liệu tại thư viện được cứu khỏi đám cháy, do đạn pháo gây ra. Việc tái xây dựng bắt đầu vào năm 1996 và đến năm 2014 thì thư viện mới được khánh thành.

Nhà hát lớn Geneva

 

Nhà hát lớn Geneva được xây dựng vào thế kỷ 19 ở Thụy Sĩ. Năm 1951, nó bị cháy khi đang chuẩn bị cho vở diễn “The Valkyrie” của Richard Wagner. Nhà hát mở cửa trở lại vào năm 2004.