“Trò chơi và hiện thực” - góc nhìn khác từ trò chơi điện tử
Cập nhật lúc: 04/08/2017, 11:52
Cập nhật lúc: 04/08/2017, 11:52
Triển lãm được viện Goethe tổ chức với sự hợp tác của Trung tâm Nghệ thuật và Truyền thông Karlsruhe (ZKM), mở cửa tự do từ ngày 4/8 đến hết ngày 27/8 từ 9h00 - 19h00.
Các trò chơi điện tử tại triển lãm do các nghệ sĩ của ZKM tạo ra với tính chất phi thương mại. Khi tạo ra chúng, các nghệ sĩ đã cân nhắc về những trò chơi đã có trên thị trường.
Họ sử dụng các phần mềm đã được phát triển cho các trò chơi với mục đích thương mại và tạo ra sự khác biệt so với những trò chơi bình thường được biết đến.
18 trò chơi điện tử này do Viện Goethe ở Đức lựa chọn nhưng không phải tất cả đều đến từ các nhà phát triển game ở Đức mà trong số đó có một số đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, tất cả các trò chơi này đều trả lời cho câu hỏi là sự tác động của chúng lên thực tại như thế nào.
Những trò chơi này vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính hiện thực. Tính nghệ thuật thể hiện ở thiết kế đồ họa đẹp. Tính hiện thực ở chỗ nó phản ánh những gì chúng ta thực hành hàng ngày, cách làm việc, cách chơi, suy nghĩ của con người trước các vấn đề trong xã hội.
Tại Lễ khai mạc triển lãm, ông Wilfried Eckstein – Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết: “Tiêu chí để chọn các game là tính phi thương mại và tính hiện thực. Trò chơi phải dựa trên câu chuyện nói về thực tại, có cách xử lý khác với cách xử lý bình thường, khiến người chơi nghĩ nhiều về thực tại. Chúng không nhất thiết phải mang đến niềm vui nhưng phải mang đến suy nghĩ về các quyết định quan trọng và tính đạo đức.
Tại đây có giới thiệu một số trò chơi của các nhà phát triển game Việt Nam. Điều quan trọng chúng tôi muốn hướng đến là để cho họ có một cái nhìn bao quát về thị trường phát triển game thế giới và biết mình đang ở đâu. Đồng thời chúng ta cũng cần tự xem lại văn hóa chơi ở Việt Nam và văn hóa chơi đang tồn tại trên thế giới có gì khác biệt.”
Người chơi sẽ nhập vai vào vào những nhân vật như một sỹ quan biên giới, một người giúp việc, người điều khiển máy bay thả bom, người dân thường sống sót sau chiến tranh… để thực hiện các nhiệm vụ trong game, trải nghiệm những điều kiện bị hạn chế cũng như những cấm vận mang tính tiêu cực mà nhân vật phải trải qua.
Người chơi trải nghiệm sự cấp thiết của việc phải đưa ra quyết định mang tính ảnh hưởng tới xã hội và chứng kiến những bất công trong xã hội (như trong game Dân chủ 3).
Các trò chơi đa dạng về chủ đề và các chủ đề đó đều có thực trong đời sống xã hội như những điều kiện lao động ngặt nghèo (game Hoàng hôn), vấn đề về giới (game Người phụ nữ hoàn mỹ), về nhà nước giám sát (game Chạm âm), những hệ lụy chiến tranh (game Cuộc chiến của tôi), các đối xử với người tị nạn (game Chạy khỏi Woomera), những cuộc nổi dậy chống lại thể chế toàn trị (game Ô vàng)…
Nhiều game khác có nội dung phản ánh, tái hiện lại các vấn đề xung đột ở Trung Đông, chiến tranh máy bay không người lái, cuộc đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông, những sự kiện lịch sử ở nước Đức mà người ta không muốn nhắc lại, vấn đề về người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Qua đó những người chơi có thể tiếp cận đến một góc nhìn của người khác mà trước đó bản thân không biết đến.
Các trò chơi tại triển lãm không mang tính giải trí cao, mang lại khoái cảm về bạo lực như một số trò chơi thường thấy trên thị trường mà nó “ngăn cản” người chơi bằng cách khiến người chơi buộc phải suy nghĩ, đưa ra quyết định vào những thời điểm quan trọng, cảm nhận về sự chịu đựng hay đau đớn của người khác, tự đặt ra câu hỏi tại sao việc đó phải xảy ra, có nhất thiết phải xảy ra hay không?
Bên cạnh việc thử chơi trò chơi, người xem có thể xem một phim giới thiệu dài 20 phút về triển lãm và các phim tài liệu ngắn về các trò chơi tại triển lãm.
Một cuốn catalog và các tình nguyện viên sẽ hướng dẫn chơi, cung cấp thêm các thông tin về bối cảnh của những trò chơi được phát triển độc lập cũng như những ý niệm chung đem chúng lại với nhau.
23:14, 02/08/2017
22:38, 30/05/2017
08:10, 07/11/2016