29/03/2024 | 16:12 GMT+7, Hà Nội

Trình Thủ tướng sửa điều kiện hưởng gói 62.000 tỷ để nhiều NLĐ được tiếp cận

Cập nhật lúc: 25/06/2020, 16:26

Bộ LĐTB&XH đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để có nhiều người lao động (NLĐ) được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Bộ LĐTB&XH đã có Tờ trình gửi Thủ tướng sửa đổi khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg để nhiều người được tiếp cận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

Tại Tờ trình số 56/TTr-LĐTBXH, ngày 23/6/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, Bộ LĐTB&XH báo báo: Tính đến ngày 10/6/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17,5 ngàn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân 10.500,698 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ cho 10.168.626 người và 2.613 hộ kinh doanh.

Các chính sách hỗ trợ đã bao phủ tới các đối tượng thụ hưởng đảm bảo đúng đối tượng, mục đích, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ NLĐ còn ít bởi các nguyên nhân.

Cụ thể là: Thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng tương đối nhiều.

Tuy nhiên, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5/2020, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các DN quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.

Hơn nữa, trong thực tế, các DN còn vốn duy trì, nên vẫn bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân NLĐ. Đồng thời DN vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho NLĐ.

Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, các DN trong nước cũng đã sử dụng hết nguồn lực dự trữ. Đồng thời, trên cơ sở tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Bộ LĐTB&XH đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung điều kiện DN được vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ theo hướng phù hợp hơn với điều kiện thực tế hiện nay. Qua đó tạo điều kiện cho các DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được tiếp cận tín dụng cho vay để trả lương ngừng việc cho NLĐ.