Trẻ nhỏ bị ngộ độc sau khi uống nước Rồng Đỏ?
Cập nhật lúc: 10/12/2015, 06:51
Cập nhật lúc: 10/12/2015, 06:51
Theo thông tin từ báo Đời sống và Pháp luật, mấy tháng trở lại đây, những người mẹ có con nhỏ đang độ tuổi đi học ở Quảng Bình truyền tai nhau cảnh báo về việc tuyệt đối không cho trẻ uống nước ngọt mang tên Rồng Đỏ.
Những lời cảnh báo trên bắt nguồn từ thông tin được chia sẻ trên các trang mạng xã hội về một em bé 13 tuổi đột ngột qua đời và một bé gái bị dị ứng phồng rộp nặng. Theo như lời kể của gia đình hai em thì nước giải khát Rồng Đỏ là loại nước cuối cùng các em uống trước khi phát bệnh.
PV có mặt tại gia đình anh Hoàng Văn Lâm và chị Lê Thị Hà, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vài ngày sau khi con gái anh chị là cháu Hồ Thị K.A. (11 tuổi) từ Bệnh viện Trung ương Huế trở về nhà. Cháu được các bác sỹ chẩn đoán mắc chứng bệnh hội chứng Lyell (còn gọi là hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc).
Gia đình đã tưởng như con mình không qua khỏi khi A. nhập viện cấp cứu trong tình trạng phồng rộp da toàn thân kèm tổn thương loét miệng, sốt cao, khó thở.
Sau 9 ngày nằm viện, cháu được bác sỹ cho xuất viện nhưng khuyên gia đình nên thuê phòng gần viện để tiện theo dõi, vì da của cháu còn rất yếu. Nhưng vì kinh tế quá khó khăn, anh Lâm, chị Hà đành phải "bấm bụng" đưa con về và hẹn sau 1 tuần quay lại tái khám.
Về nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, chị Hà (mẹ bé A.) kể lại: “Tôi thường vẫn hay cho cháu 5.000 – 6.000 đồng vào mỗi sáng. Cháu thường mua 2.000 đồng tiền xôi và 1 hộp nước ngọt Rồng Đỏ màu đỏ có giá 4.000 đồng. Bình thường cháu cũng hay ăn như thế. Vì gần trường có quán bán đồ ăn sáng nên hầu như ở đây ai cũng cho con tiền ăn trước khi vào lớp”.
“Hôm đó là vào sáng thứ 6 (ngày 9/11), sau khi ăn xong thì cháu bị đau bụng rồi nổi mẩn đỏ khắp người. Những đốm đỏ bắt đầu từ bụng rồi lan khắp người cháu, lan đến đâu thấy rõ đến đấy kèm theo sốt. Lúc đầu, gia đình còn tưởng cháu bị sốt xuất huyết, một ngày sau mới đưa cháu đi trạm xá.
Nằm ở đây 1 ngày thì K.A. được chuyển lên Bệnh viện Hoàn Lão, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch. Cháu được đưa đến khoa lây nhiễm rồi truyền cho cháu nhưng không nạp được”.
Sau khi xét nghiệm máu, A. được kết luận bị nhiễm độc tố. Những vết mẩn đỏ trên người giờ đã thành bọng nước. Chỗ nào da dày thì bọng nhỏ, những chỗ da mỏng bọng to hơn quả trứng gà. Ngay sau đó, cháu được chuyển vào Bệnh viện Việt Nam Cu Ba – Đồng Hới.
Ở đây, khi các bác sỹ hỏi trước khi có những dấu hiệu này cháu đã ăn những gì, gia đình mới nhớ ra là ngày hôm đó, A. uống hộp nước mang nhãn hiệu Rồng Đỏ như mỗi sáng.
Sau đó, bệnh nhi K.A tiếp tục được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế. Sau 4 ngày điều trị, những bong bóng nước trên da cũng se lại và bắt đầu bong tróc. Lúc này, gia đình mới đỡ lo hơn.
Bố mẹ của bé A. cũng cho biết, bác sỹ điều trị cho A. kết luận A. bị hội chứng Lyell là do một tác nhân gây dị ứng, và nghi ngờ có thể là do uống nước ngọt. Hiện nay, toàn cơ thể cháu da vẫn còn bong tróc, nhất là ở 2 tay, bụng và hai chân.
Chị Hà cho biết thêm, sau khi ở bệnh viện về, cháu ăn không biết no, mắt lúc nào cũng lờ đờ, nhiều khi đái dầm mà không biết.
Còn trường hợp em M. học lớp 7, ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) thì không may qua đời cách đây 3 ngày sau khi mắc chứng đau bụng không thể kiểm soát.
Theo lời kể của gia đình em M., sau khi tan học, M. cùng bạn bè ăn vặt tại một quán thức ăn nhanh và cháu có uống 2 lon nước ngọt mang nhãn hiệu Rồng Đỏ. Khi về nhà, M. bắt đầu có biểu hiện đau bụng. Chỉ đến khi cơn đau quá dữ dội không thể chịu đựng được, gia đình mới đưa em vào Bệnh viện Đa khoa TP Đồng Hới.
Tại đây, các bác sỹ nghi ngờ bệnh nhi M. bị ngộ độc thức ăn và đã truyền nước cất, can thiệp tích cực nhưng tình trạng đau bụng vẫn không thuyên giảm và có dấu hiệu nặng thêm.
Sau đó, M. lại được chuyển sang Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba để cấp cứu và cũng áp dụng các phương pháp trị liệu như cho một vụ ngộ độc thức ăn thông thường. Nhận thấy cháu có vẻ ngày càng yếu đi nên gia đình sau đó đã xin chuyển viện vào Thừa Thiên - Huế để kịp thời cứu chữa. Khi xe cấp cứu đang trên đường đến Bệnh viện Trung ương Huế thì M. đã tử vong.
Trước những thông tin xôn xao của người dân Quảng Bình về việc uống nước tăng lực Rồng Đỏ có thể gây ra tình trạng tử vong và dị ứng nhiễm độc, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Quảng Bình cho hay: “Vừa qua, chúng tôi cũng đã nghe thông tin của người dân phản ánh và nhất là khi nghe nói có 2 cháu bé bị ngộ độ thực phẩm, một cháu thì đã tử vong, còn một cháu thì bị nhiễm độc nặng nên cũng có phần hoang mang.
Và việc uống nước Rồng Đỏ có phải là nguyên nhân gây ra tình trạng trên hay không thì không thể khẳng định được.
Những vỏ hộp nước Rồng Đỏ các cháu đã uống cũng không còn và ngay cả trong bệnh án của các cháu này các bác sỹ cũng không kết luận là nguyên nhân gây bệnh là do uống loại nước này.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã mời đại diện của nhãn hàng nước tăng lực Rồng Đỏ của Tập đoàn Đa quốc gia URC Việt Nam đến trao đổi và làm việc. Tại buổi làm việc, đại diện URC cũng đã đưa ra đầy đủ các giấy tờ pháp lý cho thấy sản phẩm đảm bảo chất lượng khi lưu thông trên thị trường”.
Sau khi những thông tin đồn đoán về nguyên nhân nhiễm độc có phải loại nước uống Rồng Đỏ được kết luận thì nhiều bậc phụ huynh ở Quảng Bình đã cấm con em mình không được uống các loại nước ngọt bày bán trước cổng trường học. Đồng thời cũng tỏ ra thận trọng trước “ma trận” đồ uống đóng chai nhiều như hiện nay.
Trước sự việc trên ông Jaigamboa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH URC Việt Nam cho hay: "Về trường hợp thứ 2, bé M. ở Đồng Hới (Quảng Bình) tử vong là do nghi ngờ uống nước rồng đỏ.
Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự mất mát của gia đình. Vì gia đình cũng đang bối rối hậu sự nên công ty chưa tiện tìm cụ thể. Phía bệnh viện và cơ quan chức năng chưa có kết luận về nguyên nhân tử vong vủa bé nhưng vụ việc đang được thông tin trên báo chí thông qua lời kể của người nhà và bạn bè rằng bé có uống nước ngọt Rồng Đỏ nhưng không rõ nguồn gốc.
Ngoài việc chia sẻ mất mát với gia đình bé M., chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ sự việc trên".
"Sản phẩm nước tăng lực Rồng Đỏ đã được kiểm nghiệm và được cấp phép lưu hành theo số cập nhật 2229-2014/ATTP-XNCM của cục an toàn vệ sinh thực phẩm Bộ y tế.
Sản phẩm được sản xuất và lưu hành trên toàn quốc từ năm 2009. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền khép kín hiện đại cũng như được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được xuất xưởng. Sản phẩm được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ Y tế cấp. Hiện nay, Rồng Đỏ đã và đang được ưa chuộng đối với người tiêu dùng.
Chính vì thế chúng tôi luôn cam kết chất lượng của mình trước người tiêu dùng và cơ quan có thẩm quyền về sản phẩm của chúng tôi", vị giám đốc này cho biết thêm.
Cũng theo Chất lượng Việt Nam trao đổi với ông Đỗ Đăng Khoa – Phó phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty TNHH URC Việt Nam. Ông Khoa xác nhận, có biết được thông tin qua các trang mạng xã hội và báo chí và đơn vị này đã cử một đoàn xuống địa bàn Quảng Bình để xác minh thông tin.
Tuy nhiên, sau khi thông tin cho báo chí 1 ngày, phóng viên có gọi lại xác minh thêm thông tin thì vị này từ chối cung cấp bởi “không phải là nơi nhận báo cáo” và “không có chức năng phát ngôn cho báo chí”.
Liên hệ 2 ngày liền với Tổng đài Công ty TNHH URC Việt Nam để xin kết nối điện thoại đến phòng Maketing – nơi được giới thiệu là có chức năng cung cấp thông tin cho báo chí nhưng phóng viên vẫn không thể gặp được vì nhân viên lễ tân không chịu kết nối máy khi phóng viên nói muốn tìm hiểu vụ việc.
Trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội đã từng có thông tin về 30 học sinh trường THCS Nhân Chính (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có biểu hiện đau bụng, chóng mặt, bủn rủn chân tay, nôn ói sau khi uống nước giải khát Rồng Đỏ được phát miễn phí tại cổng trường./.
07:23, 09/12/2015
01:15, 29/10/2015
08:40, 25/10/2015
14:37, 31/07/2015
05:12, 23/07/2015
22:52, 21/07/2015