19/01/2025 | 07:25 GMT+7, Hà Nội

Trẻ bỗng dưng sốt - cần cho đi cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu này

Cập nhật lúc: 16/04/2019, 10:40

Theo các bác sĩ, sốt ở trẻ em cũng giống nhiều triệu chứng khác như ho, chảy mũi, đau họng,... và mức độ sốt không tỷ lệ thuận với độ nặng của bệnh.

Nhiều người lo sợ vì trẻ bỗng sốt

Chuyển mùa xuân sang hè tại khoa Nhi của Bệnh viện Nhi TƯ và các bệnh viện khác lúc nào cũng đông trẻ em tới khám, trong đó có rất nhiều trẻ bị sốt mà bố mẹ không biết vì nguyên nhân gì. Trẻ sốt thường mệt mỏi nên hay quấy khóc, hoặc nằm li bì nên bố mẹ rất lo lắng, và vì không hiểu về sốt nên nhiều người lo sợ quá về sốt ở trẻ em.

Theo các bác sĩ, sốt ở trẻ em cũng giống nhiều triệu chứng khác như ho, chảy mũi, đau họng, và mức độ sốt không tỷ lệ thuận với độ nặng của bệnh. Sốt là hiện tượng tăng nhiệt độ cơ thể trên mức bình thường (được tính là 38 độ C trở lên khi đo ở trực tràng, hoặc 37.5 độ C khi đo ở nách). Đó là phản ứng có lợi của hệ thống bảo vệ cơ thể với các tác nhân xâm nhập vào cơ thể - gọi là chất gây sốt.

Khi bị sốt nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường (≥ 37.5°C). Ảnh minh họa.

Khi bị sốt nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường (≥ 37.5°C). Ảnh minh họa.

Sốt giúp cho cơ thể tiêu diệt tác nhân gây bệnh nhanh hơn và ức chế sự phát triển của tác nhân gây bệnh thường là vi rút và vi khuẩn.

Theo các bác sĩ, các bố mẹ cần biết có nhiều nguyên nhân gây sốt, chủ yếu do nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi rút (tại các cơ quan như hệ hô hấp, tiêu hóa, sinh dục – tiết niệu), nhiễm kí sinh trùng, các bệnh lý tự miễn, các bệnh lý ác tính… Trẻ có thể biểu hiện sốt rõ ràng hoặc không rõ ràng. Với trẻ càng nhỏ, các biểu hiện càng khó nhận ra.

Cha mẹ có thể phát hiện trẻ bị sốt khi có các dấu hiệu bị kích thích, nằm li bì, ăn uống kém, quấy khóc nhiều, thân nhiệt ấm hoặc nóng, thở nhanh, co giật…

Hướng dẫn cách xử trí khi trẻ bị sốt

Để biết trẻ có bị sốt hay không cần dùng nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử để đo nhiệt. Nhiệt kế thủy ngân đo ở nách, nhiệt kế điện tử đo ở trán, nhiệt kế điện tử đo ở tai.

Đo nhiệt kế cho trẻ tại các vị trí: tai, trán, miệng, nách, hậu môn.

Theo hướng dẫn của Ths. ĐD Nguyễn Thị Thu Hằng – Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội), nhiệt độ cơ thể bình thường 36 – 37,4 độ C. Khi bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường (≥ 37.5°C).

Nhưng ở mỗi vị trí có chênh lệch nhiệt độ khác nhau, cụ thể nhiệt độ đo được ở nách thường thấp hơn nhiệt độ ở miệng, hậu môn khoảng 0,3 - 0,5 độ C. Vì vậy khi đo nhiệt độ ở nách > 37,2 độ C thì coi đó là sốt.

Các bác sĩ phân 4 loại sốt:

- Sốt nhẹ: 37,5oC – 38oC

- Sốt vừa: > 38oC – 39oC

- Sốt cao: > 39oC – 40 oC

- Sốt rất cao: > 40 oC

Cho trẻ đi viện khi không kiểm soát được nhiệt độ, hoặc đã cho uống thuốc mà vẫn không hạ sốt. Ảnh minh họa.

Cho trẻ đi viện khi không kiểm soát được nhiệt độ, hoặc đã cho uống thuốc mà vẫn không hạ sốt. Ảnh minh họa.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Các bố mẹ nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế khi có nguy cơ sau:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi

- Không kiểm soát được nhiệt độ của trẻ (dù đã cho uống thuốc mà vẫn không hạ sốt)

- Cha mẹ nghi ngờ trẻ bị mất nước do nôn, tiêu chảy ( mắt trũng, khóc không nước mắt)

- Đã được đi khám bác sĩ nhưng tình trạng không cải thiện hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.

Cần đưa trẻ đi khám cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu sau?

Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám cấp cứu khi trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu sau:

- Cha mẹ cảm thấy lo âu và không liên hệ được với bác sĩ

- Nghi ngờ trẻ bị mất nước

- Trẻ xuất hiện co giật

– Phát ban

- Xuất hiện thay đổi tri giác

- Trẻ thở nhanh, sâu, thở khó khăn

- Đau đầu liên tục

– Nôn nhiều

- Trẻ có bệnh mãn tính khác, đang điều trị thuốc kéo dài

Ngọc Hà

(Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương)