19/01/2025 | 06:19 GMT+7, Hà Nội

Trào lưu chụp ảnh 'tự sướng' có thể đẩy loài rái cá đến nguy cơ tuyệt chủng

Cập nhật lúc: 06/09/2019, 16:00

Các nhà khoa học cảnh báo, trào lưu chụp ảnh “tự sướng” (selfie) của con người đang khiến loài rái cá, đặc biệt là rái cá con bị săn lung ráo riết.

Tình trạng này ngày càng gia tăng tại các quốc gia ở châu Á có thể đẩy loài động vật có vú này đến bờ vực tuyệt chủng.

Người dùng mạng xã hội, đặc biệt là Instagram đang “châm lửa” cho cuộc đua săn tìm rái cá và các loài động vật hoang dã quý hiếm làm thú cưng. Xu hướng này phát triển ngày càng rầm rộ, đẩy những loài động vật quý hiếm đến nguy cơ tuyệt chủng.

Những bức ảnh "selfie" với rái cá được dân mạng rất yêu thích.

Các bức ảnh “tự sướng” bên cạnh rái cá đăng trên Instagram và Facebook nhận được rất nhiều sự yêu thích với những bình luận sôi nổi như “đáng yêu không chịu được”, “tôi cũng muốn có một chú rái cá như vậy”. Các bức ảnh rái cá giúp các tài khoản sở hữu tăng đột biến lượng người theo dõi (followers). Chính điều này khiến người dùng mạng xã hội ra sức săn lùng rái cá để “làm đẹp” trang cá nhân trên mạng xã hội của mình.

Các nhà khoa học thừa nhận rái cá là một loài rất lôi cuốn và chính sự đáng yêu của chúng là yếu tố khiến loài này dễ bị tổn thương và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Sự đáng yêu của rái cá khiến chúng bị săn lùng làm thú cưng.

Nhà sinh thái học Nicole Duplaix, đồng chủ tịch Nhóm chuyên gia rái cá tại Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết, tình trạng buôn bán rái cá trái phép tăng đột biến theo cấp số nhân trong thời gian gần đây.

Rái cá bị săn lùng ráo riết nhất tại các quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Tất cả các loài rái cá ở châu Á đều đã bị liệt vào danh sách động vật quý hiếm từ lâu sau hàng chục năm bị săn bắt và buôn bán trái phép. Tuy nhiên, nhu cầu chụp ảnh “tự sướng” khiến rái cá con bị săn lùng điên cuồng, đẩy loài động vật có vú này đến nguy cơ tuyệt chủng. Theo báo cáo, loài rái cá đã giảm ít nhất 30% trong vòng 3 thập kỷ, và tốc độ giảm ngày càng tăng mạnh.

Rái cá bị điều khiển để "mua vui" cho con người.

Các thợ săn rái cá ở Indonesia và Thái Lan thường giết chết rái cá mẹ để bắt rái cá con. Sau đó chuyển những chú rái cá con đến Nhật Bản, nơi người ta sẵn sàng trả tới 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng) cho một con rái cá. Tại Nhật Bản, các chú rái cá còn bị bán vào quán cà phê rái cá, nơi chúng bị nhốt trong lồng để những người đến uống cá phê bỏ tiền ra mua đồ ăn để được chơi và chụp ảnh cùng rái cá. Ngoài ra, rái cá còn bị đem ra làm xiếc để quay các video tung lên mạng xã hội “câu view”. Chúng bị săn bắt, giam cầm và hành hạ để làm thú tiêu khiển của con người.

Các bên tham gia Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) hiện đang họp ở Geneva, Thuỵ Sĩ để đánh giá và điều chỉnh Công ước thương mại này đối với hơn 35.000 loài động vật và thực vật. Hai loài rái cá được đề xuất phải tăng cường bảo vệ trong bản điều chỉnh. Cụ thể, rái cá vuốt nhỏ châu Á và rái cá lông mượt trước đây được liệt kê vào phụ lục II – các loài động, thực vật hoang dã bị đe doạ. Hiện nay, các nước Ấn Độ, Nepal, Bangladesh và Philippin đều đề xuất chuyển sang phụ lục I – loài động, thực vật hoang dã cấm buôn bán trên toàn thế giới.