Trái cây Việt: Lộ trình vươn đến tiềm năng
Cập nhật lúc: 26/04/2019, 03:00
Cập nhật lúc: 26/04/2019, 03:00
Vừa qua, thông tin về trái cây xoài của Việt Nam vừa chính thức được xuất khẩu (XK) sang thị trường rộng lớn với nhiều yêu cầu khắt khe của Mỹ, thêm một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt trên con đường đưa nông sản đi chinh phục thế giới.
Từng bước chiếm lĩnh thị trường “khó tính”
Các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, để tiếp tục bảo vệ và phát huy thành quả mà ngành xuất khẩu (XK) trái cây đạt được, điều quan trọng nhất là các bộ, ngành tiếp tục làm cầu nối cho doanh nghiệp xâm nhập, mở rộng thị trường XK, từng bước khẳng định vị trí trái cây Việt Nam tương xứng với tiềm năng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2017, trái cây XK đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, XK trái cây đạt trên 4 tỷ USD và tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự tăng trưởng XK trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm khá cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc.
Xuất khẩu trái cây Việt đang được coi là gặp nhiều điều kiện thuận lợi.
Thông tin về trái cây xoài của Việt Nam vừa chính thức được XK sang thị trường rộng lớn với nhiều yêu cầu khắt khe của Mỹ, thêm một lần nữa tiếp thêm hy vọng và động lực cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp Việt trên con đường đưa nông sản đi chinh phục thế giới. Như vậy, xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam XK vào thị trường Hoa Kỳ, sau thanh long, nhãn, chôm chôm, vải thiều và vú sữa.
Còn tại thị trường Úc, hằng năm nước này nhập rau củ quả của Việt Nam với trị giá khoảng 20 triệu USD. Năm 2019, quả nhãn tiếp tục sẽ được XK vào thị trường này sau khi vượt qua quy chuẩn kiểm tra chất lượng từ phía đối tác.
Vào cuối năm 2018, lô chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được XK sang thị trường New Zealand. Như vậy, sau thanh long và xoài, chôm chôm là loại trái cây thứ 3 của Việt Nam vào được New Zealand, thị trường vốn nổi tiếng khó tính với các yêu cầu, tiêu chuẩn kiểm dịch rất cao. Điều đáng nói là, chưa có nước nào được XK trái chôm chôm vào quốc gia này.
Thị trường Nhật Bản nổi tiếng khó tính bậc nhất thế giới và cũng nổi tiếng về xuất khẩu một lượng lớn trái cây giá trị cao đi nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, từ năm 2009, trái thanh long ruột trắng bắt đầu hành trình chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản. Tiếp đến là thanh long đỏ, xoài Cát Chu, vải thiều...
Còn tại thị trường Trung Quốc, đến nay có 8 loại trái cây của Việt Nam gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Tính đến hết năm 2018, Trung Quốc đang là thị trường XK trái cây, rau quả lớn nhất của Việt Nam. Dự báo, trong năm 2019, XK rau quả có thể chinh phục thị trường này với giá trị 3 tỷ USD, thậm chí có thể hơn.
Nhiều cơ hội đang đón đợi
Đánh giá về tiềm năng XK trái cây trong thời gian tới, theo Bộ NN&PTNT, kỳ vọng giá trị XK cây ăn quả năm 2019 có thể tăng thêm 1 tỷ USD so với năm 2018. Nhiều loại cây ăn quả đang có cơ hội phát triển lớn đó là bưởi, chanh leo và sầu riêng. Riêng cây chanh leo đã XK được 50 triệu USD trong năm 2018 và hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2019. Sản phẩm trái dừa tươi XK được 10 triệu USD... Xoài cũng là cây có tiềm năng XK rất lớn, thậm chí nhiều DN còn không đủ nguyên liệu để đáp ứng đơn đặt hàng từ nước ngoài. Theo các chuyên gia, rau quả Việt Nam muốn XK thu được giá trị cao cần làm tốt công nghệ bảo quản, đơn cử như áp dụng công nghệ của Nhật Bản là bảo quản đông lạnh tế bào, giữ được trái cây tươi lâu cả năm trời, chất lượng vẫn đảm bảo.
Ứng dụng trong bảo quản có ý nghĩa rất lớn đối với ngành XK trái cây. Đơn cử, trái bưởi hiện mới chỉ có 30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn XK, con số này sẽ tăng lên 70 - 80% nếu có đầu tư về chế biến, bảo quản. Do đó, DN XK trái cây nếu có được sự hỗ trợ về vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới có đủ tiềm lực để liên kết với nông dân, xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn thương hiệu cho sản phẩm. Điều quan trọng, các bộ, ngành tiếp tục là cầu nối cho DN xâm nhập, mở rộng thị trường XK, từng bước khẳng định vị trí trái cây Việt Nam tương xứng với tiềm năng.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, để vào được các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga…, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ XK. Đồng thời, Bộ NN&PTNT phối hợp với các DN tiếp tục xây dựng 7 nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực. Song song đó, các DN cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm lâu dài nhằm tăng giá trị sản phẩm.
Đồng quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, muốn tham gia thị trường nông sản thế giới ngày càng phát triển và nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe, không còn con đường nào khác là đảm bảo chất lượng, mà một trong những biện pháp là thông qua chế biến. Chính vì vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, tăng đầu tư chế biến là biện pháp quyết định, không chỉ giúp tăng giá trị XK, mở rộng thị trường XK, mà còn đảm bảo tính bền vững của thị trường XK. Chế biến cũng là phương châm, mục tiêu và giải pháp đột phá những năm tới của ngành nông nghiệp.
22:00, 25/04/2019
01:00, 24/04/2019
15:10, 19/04/2019