Trà sữa và câu chuyện mang tên thương hiệu
Cập nhật lúc: 11/09/2017, 07:41
Cập nhật lúc: 11/09/2017, 07:41
Trà sữa có từ bao giờ
Thực tế trà sữa đã có mặt tại Việt Nam từ khá lâu , vào khoảng đầu những năm 2000 khi mà trà sữa vẫn còn được bán trên các xe đẩy hoặc được kinh doanh nhỏ lẻ bởi các hộ gia đình. Công thức lúc đó để làm ra một cốc trà sữa rất đơn giản chỉ là sữa pha với bột trà nhiều vị, giá bán khá rẻ chỉ từ 10-15000 đồng một cốc.
Sau đó vào khoảng những năm 2007, 2008 là sự du nhập của trà sữa Đài Loan vào Việt Nam ngay lập tức gây ra một cơn sốt trong giới trẻ bởi hương vị thơm ngon "dễ gây nghiện" của trà kết hợp với sữa béo ăn cùng topping trân châu dẻo dai.
Năm 2016, 2017 có thể được coi là thời kỳ phát triển nhất của trà sữa, không chỉ tiếp nối sự phát triển trước đó mà trà sữa còn tạo được sự lan tỏa rộng rãi hơn bao giờ hết.
Điều khác biệt là lúc này trà sữa xuất hiện trên thị trường không chỉ với cái tên "trà sữa" mà nó xuất hiện gắn liền với những thương hiệu như: Ding Tea, Tocotoco, Chago,...Chỉ cần dọc trên các con phố của Hà Nội như Chùa Láng, Bà Triệu, Hồ Tùng Mậu...là có thể bắt gặp hàng loạt các quán trà sữa với các thương hiệu khác nhau.
Vì sao trà sữa lại trở thành cơn sốt
Theo một khảo sát về nhu cầu trà sữa ở Việt Nam do Q&Me- dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam thực hiện thì có đến 91% người được khảo có uống trà sữa hoặc biết đến trà sữa, và tỷ lệ uống trà sữa cao hơn ở những người trẻ tuổi với 95%.
Một trong những lý do khiến trà sữa trở nên phổ biến như vậy trước hết đó là do thức uống này đã được "cách mạng hóa" trở nên phong phú hơn về hương vị, đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng.
Đại diện của Tocotoco cho biết: "Dòng trà sữa của TocoToco hiện nay rất đa dạng với gần 20 vị khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, một ly trà sữa của TocoToco sẽ bao gồm trà, sữa nhập khẩu và topping ăn kèm. Trà được sử dụng tại TocoToco không phải loại trà túi lọc mà là trà búp tôm hai lá được trồng trên các cao nguyên hoặc vùng núi.
Đặc biệt, trân châu TocoToco được làm 100% từ bột sắn Việt Nam và ủ trong đường đen Okinawa Nhật Bản với hương vị thơm ngon dẻo dai đặc trưng là một trong những topping được yêu thích nhất tại cửa hàng".
Thêm vào đó các thương hiệu trà sữa chuyên nghiệp hơn về dịch vụ, rất đầu tư về thiết kế cửa hàng với trang trí bắt mắt, chỗ ngồi tiện lợi, các dịch vụ ship trà sữa tận nơi, nắm bắt được những xu hướng của giới trẻ.
Quan trọng hơn hết, nếu có thương hiệu thì người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn về chất lượng, đó là lý do vì sao rất nhiều người có thể sẵn sàng trả từ 35-60.000 đồng cho một cốc trà sữa.
Giá không phải là cao với người đi làm có thu nhập nhưng chắc hẳn với các bạn trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên cũng là cả một vấn đề cân nhắc.
"Bối rối" vì quá nhiều thương hiệu trà sữa
Có cầu thì sẽ có cung, đó là quy luật trong kinh doanh từ xưa đến nay và trà sữa cũng không phải là ngoại lệ. Hàng loạt các thương hiệu trà sữa được ra đời đem lại nhiều sự lựa chọn hơn, nhằm phục vụ cho nhu cầu đông đảo các tín đồ trà sữa. Tuy nhiên đó cũng là con dao hai lưỡi gây hoang mang cho người tiêu dùng.
Mặc dù mỗi thương hiệu trà sữa đều có một sản phẩm làm thế mạnh nhưng phần lớn thì các lọai trà sữa đều có hương vị "na ná" nhau, rất khó để có thể tìm được sự khác biệt, điều duy nhất để phân biệt được đó là cái tên và nhãn mác logo của thương hiệu thì lại một câu chuyện khác được đặt ra.
Chắc hẳn các tín đồ trà sữa gần đây vẫn còn đang vô cùng hoang mang không biết mình có được uống trà sữa "chuẩn" từ vụ lùm xùm giữa HEEKCAA và HEFKCHA- hai quán trà sữa cùng nằm trên con đường Lý Thường Kiệt. Có tên gọi và phát âm gần như tương tự, logo cũng không có nhiều khác biệt khiến rất nhiều người nhầm lẫn hai thương hiệu này.
Nhiều tranh cãi nổ ra rằng đâu mới là thương hiệu thật sự, tuy nhiên hiện tại đại diện của cả hai bên chưa có bất kì phát biểu hay đính chính nào cho vụ việc này.
Không chỉ Heekcaa và Hefkcha mà rất nhiều các thương hiệu trà sữa cũng đang vướng vào câu chuyện thương hiệu này như Chago và Chachago, Toco và Taco, Coco,...
Đại diện của TocoToco cũng cho biết, Toco đã nhanh chóng đăng ký bảo hộ thương hiệu ngay từ những ngày đầu thành lập. Nếu có bất cứ sự "nhái lại", sử dụng tên thương hiệu bất hợp pháp hay có tranh chấp thương hiệu xảy ra, TocoToco tin tưởng sẽ được luật pháp bảo vệ.
Bên cạnh đó, TocoToco cũng tăng cường hệ thống nhận diện thương hiệu tại tất cả các cửa hàng trên toàn quốc, tích cực truyền thông trên nhiều phương tiện về các cửa hàng "chính hãng" TocoToco để đảm bảo khách hàng của TocoToco sẽ không phải mất tiền oan cho một thương hiệu giả mạo nào.
Dù chưa rõ ai đúng ai sai nhưng chắc chắn một điều người tiêu dùng sẽ vô cùng bối rối khi lựa chọn. Đó chính là lý do vì sao các công ty quản lý thương hiệu trà sữa phải có biện pháp phù hợp ngăn chặn tình trạng này xảy ra. Đảm bảo quyền lợi cho những người tiêu dùng chính là một cách để khắng định thương hiệu.