TP.HCM: Phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường được ưu tiên hàng đầu
Cập nhật lúc: 03/01/2023, 09:30
Cập nhật lúc: 03/01/2023, 09:30
Sau khi nghiên cứu báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, TP.HCM thống nhất chọn chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.
Trên cơ sở chủ đề này, TP.HCM đã đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2023, trong đó, tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu cao.
Nhận định về tình hình phát triển của TP.HCM năm 2022, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay, năm 2022 ghi nhận kết quả phục hồi kinh tế - xã hội đạt hơn dự kiến, thể hiện qua kiểm soát dịch Covid-19; tăng trưởng GRDP tăng 9,02% và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%); thu ngân sách ước đạt 457.500 tỷ đồng, vượt trên 18%; hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp phục hồi sống động; chất lượng sống của người dân thành phố ngày càng được nâng lên…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận một thực tế, ngoài những điểm sáng trên thì kinh tế thành phố cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó, thị trường tài chính, tiền tệ đối mặt với áp lực ngày càng tăng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản suy giảm; tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa cao…
Để tiếp đà phục hồi kinh tế, tạo giá trị phát triển bền vững, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định, năm 2023, Thành phố sẽ tăng cường huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, các dự án nhà ở xã hội… Thành phố xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn thành phố.
Chính vì vậy, TP.HCM đã có những quyết sách phù hợp với thực tiễn như tại Kỳ họp thứ 8, HĐND TP.HCM khóa X đã quyết định dừng 17 dự án đầu tư chưa cần thiết; giảm vốn đầu tư của hàng trăm dự án khác với tổng kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư cho các dự án cấp thiết thuộc lĩnh vực hạ tầng và cải thiện chất lượng môi trường.
Cùng với đó, HĐND TP. HCM cũng đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuận với tổng kinh phí 9.700 tỷ đồng. Theo nhận định của lãnh đạo TP.HCM, đây là dự án đặc biệt quan trọng, góp phần cải tạo môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng triệu người dân thành phố, hướng tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đồng thời, trong năm 2023, TP.HCM sẽ dành nhiều nguồn lực tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, như: hoàn thành tuyến Metro 1, khởi công đường Vành đai 3; hoàn thành hồ sơ đường Vành đai 2, 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, cầu Thủ Thiêm 3 - 4,…
Định hướng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2023, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT cho hay, trong năm 2023, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp; tiếp tục xử lý, thu hồi các dự án sử dụng đất chậm triển khai mà không có lý do chính đáng. Đặc biệt, TP.HCM sẽ tập trung công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đẩy mạnh công tác đối thoại, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường…
Để tháo gỡ những điểm nghẽn và phát huy hết nguồn lực thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, TP.HCM đã kiến nghị Trung ương cho phép triển khai thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với lĩnh vực đất đai, môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Một điểm đặc biệt mà TP. HCM kiến nghị trong lĩnh vực môi trường là Thành phố đề xuất cho UBND các cấp được dùng hình ảnh ghi nhận từ camera, smart phone để xử phạt trực tiếp vi phạm vệ sinh nơi công cộng (xả rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định); ngắt điện, nước công đoạn sản xuất trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thi hành biện pháp khắc phục hậu quả về bảo vệ môi trường...
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-phat-trien-ha-tang-bao-ve-moi-truong-duoc-uu-tien-hang-dau-74841.html
09:42, 24/09/2022
06:30, 04/08/2022
18:57, 24/07/2022
06:30, 01/02/2022