22/11/2024 | 07:47 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM: Lượng hàng hóa ổn định, giá một số mặt hàng thiết yếu bắt đầu giảm

Cập nhật lúc: 22/07/2021, 06:00

Tình hình hàng hóa tại các hệ thống phân phối trong ngày 21/7 bắt đầu ổn định. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm, giá cả có dấu hiệu giảm dần.

Báo Nhà báo & Công luận ghi nhận, hiện nay các kệ hàng lương thực thực phẩm tại các hệ thống siêu thị như Bách Hoá Xanh, MM Mega Market, Vinmart, Coopmart... cũng như các cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM luôn trong tình trạng đầy đủ hàng hoá.

Trên kệ hàng các siêu thị dồi dào lương thực, thực phẩm phục vụ người dân.
Trên kệ hàng các siêu thị dồi dào lương thực, thực phẩm phục vụ người dân. Ảnh: Thái Sơn

Bà Nguyễn Thị Thảo (Bình Thạnh) cho biết, sáng nay bà đi mua rau cá từ cửa hàng thực phẩm ở gần chợ Bà Chiểu, thấy không còn cảnh xếp hàng dài như mấy hôm trước. Lượng người mua giảm, và đặc biệt giá cả thấp hơn 1/3 so với hôm trước.

Theo chị Vân (bán hàng tại một cửa hàng thực phẩm), hôm nay rảnh mới được ngồi xuống nghỉ ngơi. Mấy hôm trước khách mua đông, toàn phải đứng để phục vụ.

Cửa hàng thực phẩm của chị Vân.
Cửa hàng thực phẩm của chị Vân. Ảnh: Thái Sơn

"Tình hình giá thực phẩm của 2 hôm nay có giảm. Bắp cải còn 20 ngàn, dưa leo 25, trứng gà, trứng vịt cũng giảm. Đặc biệt, khổ qua (mướp đắng) hôm trước có giá từ 70-75 ngàn nay xuống còn 30-35 ngàn tuỳ loại", chị Vân nói. 

Sự ổn định giá cả với lượt khách hàng giảm cũng xuất hiện tại các siêu thị Bách Hoá Xanh, Vinmart, Sanha, Coop Mart...

Được biết, thị trường có dấu hiệu ổn định từ khi Bộ Công thương thành lập Tổ Công tác đặc biệt tại TP.HCM để phối hợp với ban ngành địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Trước cửa hàng San Hà, một điểm ổn định giá của Sở Công thương TP. HCM không còn cảnh người dân xếp hàng chờ đợi.
Trước cửa hàng San Hà, một điểm ổn định giá của Sở Công thương TP.HCM không còn cảnh người dân xếp hàng chờ đợi. Ảnh: Thái Sơn.

Sau khi thành lập, Tổ công tác của Bộ Công thương đã kịp thời kết nối với các đơn vị có liên quan, kết nối thông tin nguồn hàng từ tỉnh Đồng Nai có thể cung cấp thịt lợn với số lượng 7.000-8.000 con/ngày, trứng khoảng 1 triệu quả/ngày...

Cộng với đó là kết nối với Hiệp hội vận tải TP.HCM để hỗ trợ trong khâu lưu thông khi cần thiết.

Bên cạnh đó, một số hệ thống siêu thị trên địa bàn TP đã chủ động tăng lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu và cam kết tổ chức những xe hàng lưu động, chuyến hàng đồng giá 0 đồng để đưa hàng đến các vùng khó khăn do bị phong tỏa để phục vụ nhu cầu người dân.

Điển hình như Công ty Thương Mại Sài Gòn SATRA đã huy động lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 4-5 lần so với bình thường. Hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu tại các hệ thống siêu thị khoảng 45 ngày bán hàng, tại các trung tâm phân phối là khoảng 2 tháng.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart + đang dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường, tương ứng khoảng 40-60 ngày tiêu thụ.

Trên kệ hàng các siêu thị dồi dào lương thực, thực phẩm phục vụ người dân.

Theo báo cáo của Tổ công tác Bộ Công Thương, đến nay nhìn chung, nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hoá từ các địa phương về TP.HCM và từ TP.HCM tới các địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn.

Hiện nay, TP.HCM đang từng bước cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại, đây là giải pháp được nhận định là căn cơ trong đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, bởi kênh phân phối truyền thống chiếm hơn 70% lượng hàng đến người dân.

Nguồn: http://congluan.vn/luong-hang-hoa-on-dinh-gia-mot-so-mat-hang-thiet-yeu-bat-dau-giam-post145748.html