19/01/2025 | 21:27 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM giảm phí cảng biển từ 1/8

Cập nhật lúc: 26/07/2022, 13:30

HĐND TP.HCM thông qua Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND sửa đổi Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 10/2020/NQ-HĐND về mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ,...

Từ ngày 1/8, TP.HCM sẽ giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thủy và mức thu bằng nhau với hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM hay ngoài thành phố, thấp nhất là 15.000 đồng/tấn (hàng lỏng, hàng rời); cao nhất là 500.000 đồng/container 40ft. Mức điều chỉnh này vừa được UBND TP. TP.HCM thông qua.

Động thái này nhằm khuyến khích vận tải hàng bằng đường thủy nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau mùa dịch bệnh Covid-19.

Từ 1/8, TP.HCM sẽ giảm 50% mức thu phí hạ tầng cảng biển. (Ảnh minh họa)
Từ 1/8, TP.HCM sẽ giảm 50% mức thu phí hạ tầng cảng biển. (Ảnh minh họa)

Sau 3 tháng thực hiện, doanh nghiệp và các hiệp hội đã có sự đồng thuận về phí hạ tầng cảng biển.

Tuy phí hạ tầng cảng biển chỉ chiếm từ 15-16% tổng nhu cầu vốn, nhưng theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc giảm thu đồng nghĩa mỗi năm thành phố sẽ giảm khoảng 800 tỷ đồng. Kế hoạch mở rộng các tuyến đường xung quanh cảng biển cũng sẽ phải điều chỉnh lại.

Mức thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM từ ngày 01/8/2022 như sau:

Nguồn:  thuvienphapluat
Nguồn:  thuvienphapluat

Trước mắt thành phố sẽ dồn nguồn lực để hoàn thiện đường kết nối Vành đai 2, mở rộng đường xung quanh cảng Cát Lái như vòng xoay Mỹ Thủy, đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh… để giảm áp lực giao thông và hỗ trợ giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

"Tại thời điểm thu cũng có cái khó đối với thành phố cũng như các doanh nghiệp. Việc bố trí vốn chậm hơn thì thời gian hoàn thành kéo dài hơn. Chúng tôi đang cố gắng tập trung để giải quyết vấn đề này", ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, mức thu sau điều chỉnh sẽ tạo sự công bằng, đồng thuận giữa các doanh nghiệp; đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang sử dụng phương tiện thủy, giảm tải cho đường bộ; ngoài ra, còn có tác động rất lớn tới kế hoạch năm của doanh nghiệp.

"Thay đổi này góp phần giúp chi phí của doanh nghiệp giảm xuống, kết hợp với giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp sẽ làm được kế hoạch kinh doanh cho 6 tháng cuối năm, sát với thực tế. Việc thay đổi phí như thế này tôi nghĩ doanh nghiệp sẽ bám sát kế hoạch năm được 80-90%", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức, TP.HCM, cho hay.

Không chỉ hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, quan sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam còn cho thấy sự điều chỉnh phí hạ tầng cảng biển sẽ thay đổi lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố.

"Hàng hóa thông qua các cảng ICD giảm từ 25-30%. Qua sự thay đổi này cùng với việc không phân biệt mở tờ khai hải quan tại các địa phương khác, hàng hóa sẽ trở lại như bình thường", ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam, nhận định.

Sở Giao thông Vận tải đang phối hợp với các bên liên quan để sửa lại phần mềm thu phí, nhanh chóng hoàn thiện trước 1/8.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, sau 2 tháng vận hành thu phí cảng biển, mức phí thu được hơn 500 tỷ đồng. Tính toán của sở này, đến năm 2025, nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.

Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc giảm 50% phí hạ tầng cảng biển với hàng chở bằng đường thuỷ và giảm mức thu đối với hàng mở tờ khai tại các địa phương khác sẽ khiến thành phố giảm gần 900 tỷ đồng mỗi năm.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/tphcm-giam-phi-cang-bien-tu-18-69390.html