23/11/2024 | 00:37 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM: Nhu cầu nhân lực ở nhóm ngành dịch vụ, giao hàng tăng cao trong quý đầu năm

Cập nhật lúc: 10/01/2018, 21:35

Theo kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp tại thành phố, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho hay, trong năm 2018 dự kiến thành phố có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc tăng bình quân 5% so với năm 2017, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới tăng 4% so với năm 2017.

Năm 2018, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động…

Qua đó mà nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành như: Công nghệ thông tin, bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D,...

Đồng thời, với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị chơi game để tương tác với người dùng đã kéo theo một xu hướng tuyển dụng nhân lực trong năm 2018 nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong chuyên ngành Digital marketing - sự kết hợp giữa kiến thức thương mại điện tử, công nghệ thông tin và marketing…

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Nhu cầu nhân lực 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Nhu cầu nhân lực 9 ngành kinh tế dịch vụ trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Nhu cầu nhân lực 9 ngành kinh tế dịch vụ trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Theo đánh giá, thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh, thu hút nhiều nhân lực và xuất hiện nhiều dự án khởi nghiệp mới, nhu cầu nhân lực gia tăng ở các ngành vận tải, dịch vụ thu hộ. Đi cùng với đó, các cơ chế, chính sách của thành phố thu hút sự đầu tư của các công ty nước ngoài, nên rất cần nguồn lực biên phiên dịch chất lượng cao...

Trong năm 2018, dự báo thành phố sẽ có 300.000 chỗ làm việc việc, cụ thể:

  • Quý I: 72.000  chỗ làm;
  • Quý II: 80.000 chỗ làm;
  • Quý III: 78.000 chỗ làm;
  • Quý IV: 70.000 chỗ làm.

Đặc biệt, trong quý I và quý II, nhu cầu nhân lực ở nhóm ngành dịch vụ, giao hàng được dự kiến sẽ tăng cao.

Nhu cầu nhân lực trong quý I/2018 là khoảng 72.000 chỗ làm việc trống, trong đó 28% nhu cầu lao động phổ thông, tập trung ở các ngành nghề sau: Marketing, bán hàng, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn (ở các vị trí lễ tân, điều hành tour, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khu vui chơi - giải trí,…); Tiếp thị sản phẩm, Quảng cáo, Đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, nghiên cứu thị trường, Người dẫn chương trình, Xây dựng, Sửa chữa điện, Cơ khí, Dịch vụ giúp việc nhà, Dịch vụ chăm sóc cây cảnh, Giao hàng nhanh, nhân viên bảo vệ,…

Riêng trong tháng 3, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng cho các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như Dệt may - Giày da, Chế biến thực phẩm, Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu, Nhựa - Bao bì, Mộc - Mỹ nghệ, Xây dựng,… 

Nhu cầu nhân lực các ngành nghề khác thu hút nhiều lao động trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Nhu cầu nhân lực các ngành nghề khác thu hút nhiều lao động trên địa bàn TP.HCM năm 2018.

Dự báo trong quý II và quý III, kinh tế thành phố ổn định sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển kinh tế theo những định hướng phát triển năm 2018, của thị trường lao động có sự gia tăng theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.

Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng so với quý I, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của quý II là khoảng 80.000 chỗ làm việc và quý III là khoảng 78.000 chỗ làm việc trống.

Các ngành nghề tập trung thu hút lao động gồm có: Marketing - Kinh doanh - Bán hàng, Cơ khí, Kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Dệt may - Giày da, Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu, Kinh doanh tài sản - Bất động sản, Tài chính - Tín dụng - Ngân hàng, Công nghệ ô tô - xe máy, Nông - lâm nghiệp - thủy sản, Quản lý nhân sự, Kế toán kiểm toán, Hóa - Hóa chất,...

Trong quý IV, dự báo các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ chú trọng lao động có trình độ, tay nghề với khoảng 70.000 chỗ làm việc trống, trong đó lao động phổ thông chiếm 27%.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Dệt may - Giày da, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ thông tin, Dịch vụ - Phục vụ, Bán hàng, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao hàng,…