19/01/2025 | 12:12 GMT+7, Hà Nội

TP.HCM: Gần 8.000 ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tháng đầu năm

Cập nhật lúc: 26/02/2019, 23:00

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu mỗi người dân không có ý thức phòng bệnh, dịch bệnh này sẽ bùng phát trong cộng đồng.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM là 7.835 ca, tăng 279% so với cùng kỳ năm 2018. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết đang vào giai đoạn cuối mùa dịch 2018-2019, tuy nhiên số ca bệnh hàng tuần còn giảm khá chậm.

Trong tuần từ 15 - 21/2, toàn TP đã ghi nhận 800 ca mắc sốt xuất huyết.

Do đỉnh dịch năm 2018-2019 rơi vào tuần thứ 3 của năm 2019, chậm hơn 10 tuần so với đỉnh của mùa dịch trước và số ca bệnh hàng tuần giảm chậm nên số ca tích lũy trong 8 tuần đầu năm 2019 cao hơn cùng kỳ năm trước.


Cũng theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, đã ghi nhận 2 trường hợptử vongdo sốt xuất huyết tại quận Tân Phú và huyện Củ Chi.

TP.HCM: Gần 8.000 ca mắc sốt xuất huyết trong 2 tháng đầu năm

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa

Điều đáng lưu ý là trước đây, bệnh sốt xuất huyết được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên hơn 10 năm nay tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn (trên 15 tuổi) xấp xỉ 50% trong tổng số ca bệnh ghi nhận được. Các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, bệnh mạn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn còn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ.

Để nhanh chóng kéo giảm số ca mắc hàng tuần, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM khuyến cáo mọi người dân cần chủ động:

- Diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt.

- Nếu bản thân có triệu chứng sốt cao đột ngột trong vòng 2 - 7 ngày, cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

- Người bệnh sốt xuất huyết cần uống đủ nước, dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị; khi thấy có các dấu hiệu xuất huyết nhiều, nôn ói, bứt rứt, li bì... cần đưa người bệnh đến cơ sở tế ngay để được xử trí.