24/11/2024 | 22:07 GMT+7, Hà Nội

Năm 2018 đánh dấu thành công của xuất khẩu cá tra

Cập nhật lúc: 23/01/2019, 02:04

Năm 2018 là một năm thành công của ngành cá tra Việt Nam khi cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều đạt được thắng lợi. Sau thời gian dài lận đận thì hiện nay kinh doanh cá tra đã tăng trưởng trở lại nhờ sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, đầu tiên là nền tảng từ năm 2017 đã tạo tiền đề cho những thành công năm 2018.

Đây năm đầu tiên trong 20 năm cá tra có bước tăng trưởng ngoạn mục về giá và tổng kim ngạch của cả năm đạt 2,26 tỷ USD tăng 26,5% và là mức cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó các thị trường nhập khẩu (NK) lớn đã có nhiều chuyển biến tích cực với sự tăng trưởng mạnh mẽ giá trị xuất khẩu (XK) từ 15,6% - 50%...

Năm 2018, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 549,4 triệu USD, tăng 59,5% so với năm 2017, chiếm 24,3% tổng XK cá tra. Riêng tháng 12/2018, XK cá tra sang thị trường này tăng rất mạnh 124% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 55 triệu USD. Với mức tăng đều đặn và lớn dần, kết thúc tháng 10/2018, thị trường Mỹ đã trở lại ngôi vị số 1 của XK cá tra Việt Nam. Có 3 yếu tố lớn thúc đẩy XK cá tra sang thị trường Mỹ trong năm qua.

nam 2018 danh dau thanh cong cua xuat khau ca tra
Hình minh họa.

Đầu tiên phải kể tới việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra và basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 USD/kg và 1,37 USD/kg. Thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát POR13 là 3,87 USD/kg. Cho dù đây chỉ là mức thuế suất sơ bộ nhưng nó đã tạo hiệu ứng tâm lý rất tốt cho các DN XK cá tra sang thị trường Mỹ. Thứ hai là việc FSIS công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ và thứ ba là cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ cũng tạo thêm cơ hội cho cá tra Việt Nam giành thị phần từ cá rô phi tại thị trường NK lớn Mỹ.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2018, giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt 528,6 triệu USD, tăng 28,7% so với năm trước, chiếm 23,4% tổng XK cá tra. Mặc dù năm qua, mức tăng trưởng XK cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã “giảm nhiệt” so với 2 năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là thị trường XK tiềm năng và rộng lớn của các DN XK cá tra Việt Nam.

Năm 2018, XK cá tra sang thị trường EU đã khởi sắc trở lại sau nhiều năm ảm đạm, giá trị XK sang thị trường này đạt 243,9 triệu USD, tăng 20,2% so với năm trước và chiếm 10,8% tổng XK cá tra. Như vậy, EU là thị trường XK lớn thứ 3 của các DN XK cá tra Việt Nam (sau Mỹ và Trung Quốc - Hồng Kông). 4 thị trường đơn lẻ lớn nhất trong khối là Hà Lan, Anh, Đức và Bỉ cũng có mức tăng trưởng rất tốt, tăng lần lượt 33,4%; 5,9%; 10,5% và 11,8% so với năm trước.

Hiện nay, sản phẩm cá tra cũng đang cạnh tranh ngược lại với sản phẩm cá rô phi, cá minh thái Alaska pollock tại một số thị trường trọng điểm tại Châu Âu. Sự thay thế sản phẩm cá tra trong một số phân khúc thị trường đang diễn ra trên khắp Châu Âu với mức độ khác nhau. Theo CBI, Đức và Ba Lan là những nhà cung cấp cho các quốc gia Trung và Đông Âu, nơi không có cảng nhập lớn. Theo thống kê, năm 2017, 45 triệu EUR cá tra phile đông lạnh được tái xuất trong nội khối EU. Các nước tái xuất chính cá tra năm 2017 là Hà Lan (31 triệu EUR), Bỉ (14 triệu EUR) và Đức (8 triệu EUR). Đây cũng là tín hiệu tốt cho cá tra Việt Nam tại khu vực này.

Đồng thời, tính đến hết tháng 12/2018, XK cá tra sang thị trường ASEAN đạt 202,6 triệu USD, tăng 41,5% so với năm 2017. Trong đó, XK sang 3 thị trường lớn nhất là Thái Lan, Singapore và Philippines tăng khả quan lần lượt 48,8%; 20,7% và 32,1% so với năm ngoái. Năm vừa qua, XK cá tra sang ASEAN có nhiều thuận lợi và nhu cầu tăng cao đặc biệt ở thị trường “mới nổi” Philippines.

Nguyễn My