19/01/2025 | 09:42 GMT+7, Hà Nội

Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp nông dân “cháy hàng” mùa dịch

Cập nhật lúc: 18/09/2021, 06:39

Trong thời gian giãn cách xã hội, xã Song Phương đã thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản như rau, ổi, nhãn,... giúp bà con nông dân trên địa bàn xã.

Khôi phục sản xuất kinh doanh

Thực hiện theo Chỉ thị số 20 của UBND TP. Hà Nội, huyện Hoài Đức đã ban hành kế hoạch 282/KH-UBND ngày 5/9 về việc về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Nhiều người dân ở xã Song Phương vui mừng vì xã là vùng xanh, người dân được ra đồng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Nhiều người dân ở xã Song Phương vui mừng vì xã là vùng xanh, người dân được ra đồng khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo đó, căn cứ vào phương án phân vùng phòng chống dịch của UBND thành phố và các yếu tố mức độ nguy cơ của dịch, đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất, huyện Hoài Đức được chia làm 2 vùng phòng phòng dịch là vùng 1 và vùng 3.

Cụ thể, vùng 3 (vùng xanh) sẽ gồm các xã, thị trấn: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Đức Thượng, Đức Giang, Trạm Trôi, Kim Chung, Di Trạch, Sơn Đồng và phần còn lại của xã Song Phương, Vân Canh, Lại Yên; thôn Cù Sơn về phía Tây sông Đáy thôn Quyết Tiến phía bắc Đại lộ Thăng Long của xã Vân Côn.

Vùng 1 (vùng đỏ) gồm xã An Khánh, An Thượng, Đông La, La Phù, Vân Côn và khu Trại Ba Lương của xã Song Phương; một phần xã lại Yên, Song Phương, Vân Canh thuộc Khu đô thị Bắc An Khánh.

Trong đó, vùng 1 tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “người ở vùng nào, ở vùng đó”, người dân chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, yêu cầu các hộ dân ký cam kết ở trong nhà và chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để tại khu vực “vùng đỏ”.

Tại vùng 3, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định. Việc sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp bảo đảm khoa học và kiểm soát chặt chẽ phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa phương.

Sau thời gian giãn cách, người dân bắt đầu ra đồng, nhặt cỏ, chuẩn bị cho lứa giống mới.
Sau thời gian giãn cách, người dân bắt đầu ra đồng, nhặt cỏ, chuẩn bị cho lứa giống mới.

Đối với sản xuất nông nghiệp, có thể cho phép nhiều hơn 1 người trong cùng hộ gia đình ra đồng ruộng sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Đối với sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có thể linh hoạt đối với công nhân thường trú tại vùng 3; công nhân thuộc các vùng khác, huyện khác vẫn tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Theo ghi nhận của PV, tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhiều người nông dân đã ra đồng cải tạo ruộng, chuẩn bị gieo hạt giống các cây rau màu theo mùa vụ. Một số người khác thì đi thu hoạch nhãn, chăm sóc ổi, các nhà xưởng hoạt động trở lại,...

Bà Nguyễn Thị Ấu, thôn 6, xã Song Phương cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, người nông dân đã gieo hạt để lên cây nhưng vì giãn cách nên không bán được, một số đã phải nhổ bỏ vì quá lứa. Hiện nay, nông dân xã Song Phương đang bỏ giống bắp cải, súp lơ, cà chua,... để phục vụ người dân mua về trồng phát triển sản xuất.

“Tôi mong Hà Nội hết giãn cách để người dân được quay lại sản xuất, cây giống chúng tôi gieo trồng có người mua để tái sản xuất phục vụ đời sống”, bà Ấu thông tin.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương cho hay, thực hiện Chỉ thị số 20 của UBND TP và kế hoạch 282 của UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Song Phương đã xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất an toàn trong vùng sản xuất nông nghiệp với gần 300ha của xã Song Phương.

Theo đó, người nông dân ra đồng làm việc nhưng vẫn phải đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang, không tập trung đông người. Đối với khu vực vùng đỏ, xã sẽ thực hiện mỗi gia đình được cấp 1 thẻ được ra ngoài sản xuất nông nghiệp.

Đối với sản xuất công nghiệp, xã Song Phương đã có 15 đơn vị xây dựng phương án đề nghị UBND xã Song Phương phê duyệt. Sau khi kiểm tra, đã phê duyệt 14 đơn vị đủ điều kiện. Các đơn vị này đều hoạt động 3 tại chỗ, đảm bảo việc sản xuất, ăn ở tại chỗ và đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch. Qua đó, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tìm kiếm khách hàng tiêu thụ giúp nông dân

Ông Toàn cho biết thêm, bên cạnh việc đảm bảo phương án sản xuất kinh doanh, xã Song Phương đã ban hành quyết định thành lập tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản xã Song Phương đang đóng từng túi ổi 5kg để giao cho khách.
Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản xã Song Phương đang đóng từng túi ổi 5kg để giao cho khách.

Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản sẽ giúp đỡ bà con nông dân như kết nối giữa người dân với người mua, giá cả sẽ do người dân và người mua thỏa thuận. Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản sẽ vận chuyển giúp đến nơi người mua. Trong thời gian vừa qua, tổ đã hỗ trợ được bà con tiêu thụ được 86 tấn các loại rau, trên 70 tấn hoa quả (nhãn + ổi).

Cùng thông tin về tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản, anh Lê Vĩnh Phiến, Chủ tịch Hội nông dân xã Song Phương cho hay, ngay từ lần bùng phát dịch đợt 1, đợt 2, nhận thấy sự khó khăn của người nông dân là làm màu ra nhưng không có nơi tiêu thụ, ngay lập tức Đảng ủy, Ủy ban xã chỉ đạo thành lập ra một tổ gồm khoảng 8-10 người phân công nhiệm vụ điều phối nông sản và tìm kiếm khách hàng để giải cứu cho nông dân.

Về giải cứu chia làm nhiều bộ phận, trong đó, có bộ phận giúp cho các hộ trồng cây giống chuyên vận chuyển giống, cây trồng để tái sản xuất sau dịch. Tổ vận chuyển hàng gồm rau, nhãn, ổi giúp người nông dân vào trong các vùng nội đô, các khu chung cư, mua hàng.

Bên cạnh đó, tổ cũng dùng mọi hình thức tuyên truyền trên facebook, zalo, kết nối với các ban ngành đoàn thể huyện bạn. Đài truyền thanh của xã tuyên truyền nhân dân có rau màu thì đăng ký với tổ điều phối.

Bà Vương Thị Điển, thôn 2, xã Song Phương chia sẻ, bà tham gia tổ hỗ trợ tiêu tụ nông sản hơn 2 tháng nay. Công việc thì không có gì vất vả nhưng phải dành thời gian ra làm nhiều. Đôi khi hàng xấu bị trả lại, các thành viên tổ lại bỏ tiền túi ra bù cho người nông dân.

“Tôi thấy mình làm gì mà giúp được người dân trong xã là cảm thấy thoải mái, vui vẻ. Tôi cũng muốn góp một ít sức nhỏ giúp cộng đồng, người dân trong xã tiêu thụ được sản phẩm”, bà Điển chia sẻ.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/to-ho-tro-tieu-thu-nong-san-giup-nong-dan-chay-hang-mua-dich-259774.html