23/11/2024 | 06:03 GMT+7, Hà Nội

Tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là gì?

Cập nhật lúc: 31/01/2020, 19:00

Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu với dịch virus corona sau cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp hôm 30/1.

Theo WikiPedia, Tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế - Public Health Emergency of International Concern (viết tắt: PHEIC) là một tuyên bố chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.

Đây là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.

Hôm 30/1 (giờ địa phương) tại trụ sở ở TP Geneva (Thụy Sĩ), WHO đã chính thức tuyên bố dịch bệnh do virus corona là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Với sự kiện tuyên bố về virus corona, đây là lần thứ 6 WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Ảnh: Reuters

Trước dịch viêm phổi lạ do virus corona, WHO đã 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu:

- Lần đầu tiên được ban bố tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1);

- Lần thứ 2 vào tháng 5/2014 do bệnh bại liệt trẻ em;

- Lần thứ 3 năm 2014 trong dịch virus Ebola ở Tây Phi;

- Lần thứ 4 là năm 2016 với dịch bệnh do virus Zika ở châu Mỹ.

- Lần thứ 5 vào năm 2019 cũng trong dịch virus Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ý nghĩa quan trọng nhất khi WHO tuyên bố virus này là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu là để tất cả mọi người phải nâng cao cảnh giác.

Khi tuyên bố dịch bệnh khẩn cấp, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sẽ được phép đưa ra khuyến nghị về việc kiểm soát sự lây lan của virus corona trên toàn cầu. Điều này cũng có thể bao gồm các khuyến nghị liên quan đến du lịch, ví dụ như việc cấm các hoạt động giao thương, du lịch ở đất liền, sân bay quốc tế...

Tổ chức này còn được phép nêu nghi vấn và yêu cầu chính phủ sở tại cung cấp bằng chứng khoa học giải thích quyết định cấm giao thương và di chuyển, nhưng không có cơ sở pháp lý để áp đặt trừng phạt.

Tuần trước, tại WHO có 2 luồng ý kiến trái chiều. Tổng Giám đốc của WHO cho rằng, tuyên bố tình trạng khẩn cấp luôn là một quyết định khó khăn, vì đóng cửa biên giới và hủy nhiều chuyến bay có thể làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người khỏe mạnh gần điểm khởi phát dịch bệnh và khiến kinh tế trì trệ. Trong trường hợp xấu nhất, nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men có thể cạn kiệt, gây ra làn sóng hoảng loạn lan rộng, thậm chí còn có hậu quả lớn hơn chính dịch bệnh.

Nhà lãnh đạo WHO đồng thời nhấn mạnh rằng, tuyên bố không thể hiện sự “không tin tưởng” vào Trung Quốc mà ngược lại WHO tin tưởng vào năng lực của Trung Quốc trong việc kiểm soát ổ dịch.

Dịch viêm phổi lạ bùng phát từ TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) từ cuối năm ngoái và được cho là do virus corona chủng mới (hay còn gọi là nCov-2019).

Đến nay, dịch bệnh này đã khiến 214 người tử vong, 9.480 người nhiễm bệnh trên toàn cầu, trong đó 9.356 trường hợp ở Trung Quốc. Hiện nhiều nước đã khuyến cáo không du lịch tới Trung Quốc hoặc ngừng cấp thị thực cho du khách Trung Quốc, một số quốc gia thậm chí đã đóng cửa biên giới với nước này nhằm ngăn chặn dịch lây lan.