19/01/2025 | 16:01 GMT+7, Hà Nội

Tín hiệu tích cực tại các ngân hàng 0 đồng

Cập nhật lúc: 21/01/2022, 06:03

Theo dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, ngay trong năm 2022 các ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng sẽ sớm đẩy nhanh việc tái cơ cấu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện sửa đổi Thông tư số 08 về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đây cũng là một trong những giải pháp để hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý cho việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Lâu nay, các ngân hàng yếu kém bị mua bắt buộc 0 đồng gồm Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) từ giai đoạn 2015 vẫn là mối quan tâm lớn của giới tài chính.

Trong những năm qua rất nhiều lần NHNN trình đề án tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng đều không thành công. Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV khẳng định vẫn chưa có phương án cơ cấu khả thi được phê duyệt đối với 3 ngân hàng này, trong khi tình hình tài chính của cả 3 ngân hàng càng khó khăn.

Theo thông tin cập nhật gần đây nhất của Kiểm toán Nhà nước, cho thấy số lỗ mỗi năm của 3 ngân hàng 0 đồng lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng 0 đồng rất cao. Đơn cử, nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; OceanBank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Đối với CBBank thì nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng).

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đặt mục tiêu cho hệ thống ngân hàng sớm có phương án xử lý ngân hàng 0 đồng trong năm 2022.

NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2021/TT-NHNN ngày 6/7/2021 quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó, quy định việc cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan thanh tra giám sát (NHNN) cho biết quy định cho vay đặc biệt chỉ là một trong những giải pháp để tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng trong thời gian tới. “Hiện nay, các ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt bắt buộc phải lập đề án căn cứ trên đề án chung và thực trạng hoạt động của ngân hàng mình, trên cơ sở đó, NHNN sẽ có các giải pháp tổng thể. Dự kiến ngay trong năm 2022, các ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng sẽ sớm đẩy nhanh việc tái cơ cấu”, ông Tuấn Anh thông tin thêm.

Mới đây, NHNN đã có các quyết định bổ sung nội dung hoạt động “ủy thác, nhận ủy thác” cho 2 trong 3 ngân hàng 0 đồng là GPBank và Ocean Bank. Đây cũng có thể coi là một trong những tia sáng trong chặng đường vượt dốc của nhóm các ngân hàng đặc biệt này.

Đại diện NHNN cho biết: “Tín hiệu tích cực là OceanBank hiện đã có một vài đối tác trong nước muốn mua bán/sáp nhập, VNCB cũng sẽ được tái cấu trúc theo xu hướng này trong thời gian tới”.

Còn lại PGBank chưa tìm được đối tác nhưng theo nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa: "Phương án bán cho nhà đầu tư nước ngoài rất hẹp, vì vậy hướng giải quyết là bán hoặc sáp nhập vào các ngân hàng trong nước, có tiềm lực đủ mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nghĩa, để thu hút được các ngân hàng trong nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng, phải tạo điều kiện để họ hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo để phát mại thu hồi tài sản, cấn trừ nợ như thủ tục về nhà đất, sổ đỏ. Cùng với đó, xử lý dứt điểm các vụ án liên quan, tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan khắc phục hậu quả.

Đồng thời cho vay một khoản với lãi suất 0% để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng này sau khi được mua bán/sáp nhập trong giai đoạn đầu và khắc phục nhanh lỗ lũy kế, tránh tình trạng ngân hàng xấu kéo ngân hàng tốt cũng trở thành xấu./.

Nguồn: https://reatimes.vn/tin-hieu-tich-cuc-tai-cac-ngan-hang-0-dong-20201224000009580.html