19/01/2025 | 02:31 GMT+7, Hà Nội

Tiêu chí quan trọng nên biết sớm khi chọn trường Đại học

Cập nhật lúc: 01/07/2018, 06:11

Khi chọn trường Đại học nhiều học sinh THPT tỏ ra khá lúng túng khi không biết trường nào phù hợp với bản thân. Chọn trường ngoài yếu tố về sở thích thì còn cần dựa trên nhiều yếu tố khác.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã kết thúc, ngày 11/7 tới, cácHội đồng thi sẽ công bố điểm thi của các thí sinh.

Sau đó, từ 19/7 đến 17h ngày 28/7 là thời gian để các thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng vào các trường. Đây là cơ hội cuối cùng để học sinh THPT có thể chọn được trường đại học phù hợp với sở thích và nguyện vọng.

Để chọn được đúng trường với số điểm tương ứng những thí sinh nên sớm biết những tiêu chí sau. 

Chọn ngành cụ thể trước khi chọn trường 

Nhiều học sinh THPT chọn “nhầm” trường Đại học vì đi ngược quy trình.

Thay vì chọn ngành trước chọn trường nhiều thí sinh lại chọn trường trước chọn ngành. Điều này dẫn đến việc đăng ký không đúng ngành phù hợp với năng lực bản thân. Vì vẫn còn cơ hội điều chỉnh nên cần xem xét lại các nguyện vọng để chọn được đúng trường nhất trước ngày 28/7.

Để chọn được trường Đại học phù hợp nhất, các thí sinh cần phải biết bản thân có năng khiếu gì, thích ngành gì nhất, phù hợp với công việc gì. Bạn nên chọn cho mình một ngành yêu thích trước khi chọn trường.

Cụ thể, khi chọn ngành, các thí sinh nên dựa vào 7 nhóm ngành cơ bản sau:

  1. Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên
  1. Khối ngành II: Nghệ thuật
  1. Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, Pháp luật
  1. Khối ngành IV: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên
  1. Khối ngành V: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y
  1. Khối ngành VI: Sức khỏe
  1. Khối ngành VII: Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn-du lịch-thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng

Dựa vào những khối ngành trên, các thí sinh có thể chọn cho mình ngành cụ thể theo từng khối, từ đó có thể tìm được trường Đại học phù hợp nhất. 

Chọn ngành dựa trên nhu cầu xã hội

Chọn ngành dựa trên sở thích thôi chưa đủ mà còn cần dựa trên nhu cầu xã hội. Những ngành nghề nào đang thừa nhân lực thì nên bỏ qua ngành nghề đó và chọn lựa những ngành đang có xu hướng phát triển mạnh. 

Ví dụ, trong giai đoạn hiện nay, các ngành nghề đang "khát" nhân lực như kỹ thuật cao, bác sĩ, điều dưỡng,... 

Chọn trường phù hợp với điểm số

Khi đã chọn được ngành, các thí sinh cần tìm hiểu những trường Đại học nào có đào tạo ngành đó. Chọn trường quan trọng nhất phải dựa vào điểm số.

Ví dụ ngành Sư phạm có trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.. .đào tạo nhưng với mức điểm 15 điểm bạn sẽ không thể “mơ hồ” mà đăng ký trường Đại học Sư phạm Hà Nội, vì khả năng trượt sẽ rất cao. Thay vào đó tìm trường ở ngưỡng điểm đầu vào thấp hơn thì khả năng đỗ sẽ cao hơn.

Bạn nên xem điểm trúng tuyển của trường đó trong 3 năm gần nhất để dựa vào đó cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng dựa trên số điểm của mình.

Chọn trường phù hợp với điểm số là tiêu chí quan trọng nhất, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi hết thời gian thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển Đại học 2018.

Chọn trường có môi trường tốt

Ngoài những tiêu chí trên, khi chọn trường Đại học nếu có khả năng bạn nên tìm hiểu môi trường học tập ở đó. Môi trường có cơ sở vật chất đầy đủ, thường xuyên được thực hành, sinh viên năng động thì bạn nên cho trường đó vào danh sách nguyện vọng xét tuyển.

Chọn trường phù hợp với khả năng tài chính

Một lưu ý khác khi chọn trường mà học sinh THPT phải biết là khi chọn trường cần dựa vào khả năng tài chính.

Trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng, bạn nên tìm hiểu lại học phí của những trường đã đăng ký cao hay thấp. Có một số trường Đại học công lập có mức học phí được đánh giá là cao như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương...

Ngoài ra, học phí của  những trường tư có thể gấp vài lần những trường công nên học sinh cần xem xét khả năng tài chính của gia đình có đủ đáp ứng không trước khi quyết định nộp hồ sơ.