Tiền Giang: Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vượt khó trước đại dịch Covid - 19
Cập nhật lúc: 10/05/2021, 10:51
Cập nhật lúc: 10/05/2021, 10:51
Dù thời điểm này, việc xuất nhập hàng hóa rất khó khăn nhưng mỗi ngày Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường (tại xã Đạo Thạnh, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đều đưa xuống tàu hơn 70 tấn xoài và thanh long xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Nhật.
Để có đủ sản lượng và chất lượng trái cây phục vụ các đối tác ngoài, công ty Cát Tường đã liên kết với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác sản xuất trái cây ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL bao tiêu sản phẩm với khoảng 10.000 ha, thu hút gần 20 nghìn hộ dân tham gia.
Mô hình sản xuất trái cây liên kết với công ty Cát Tường đảm bảo đúng quy trình đưa ra, đạt tiêu chuẩn an toàn nông nghiệp tốt- GAP.
Riêng công ty chủ động nguồn nguyên liệu trồng “mẫu” hơn 100 ha cây thanh long tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước (Tiền Giang) đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Tại đây còn có Trung tâm Nghiên cứu sản xuất giống cây sạch với diện tích 1 ha phục vụ cho người dân trong vùng nguyên liệu.
Ngoài ra, công ty đã xây dựng 7 kho lạnh, 1 nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế và đầu tư máy xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng (công nghệ Nhật) để xử lý trái cây trước khi đóng gói đưa đi xuất khẩu.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Chế biến nông sản Cát Tường cho biết, vấn đề xây dựng quy trình sản xuất đạt chuẩn được công ty đặc biệt quan tâm; trong đó con giống tốt, sạch bệnh là điều kiện tiên quyết trong chuỗi liên kết sản xuất.
Do đó, dù dịch Covid-19 gây trở ngại nhưng chất lượng hàng hóa của công ty Cát Tường đạt cao vẫn thu hút được thị trường khó tính và giữ chân được hơn 200 lao động thường xuyên.”
Đối với những giống cây mà bà con đang trồng khi gặp bệnh thì công ty đưa cán bộ kỹ thuật đến ghi nhận, nghiên cứu, hỗ trợ bà con quy trình vừa đạt tiêu chuẩn đáp ứng cho thị trường mà không bị bệnh.
Qua 5 năm liên kết sản xuất với công ty Cát Tường, 18 hộ dân của Hợp tác xã Thanh long Trung Hòa, huyện Chợ Gạo đã nhân rộng được 100 ha, với giá bán cao hơn giá thị trường từ 10-20%.
Mô hình liên kết này mang tính ổn định, không bị thương lái ép giá khi dịch covid-19 đang bùng phát.
Ông Mai Công Tiếp, Phó Giám đốc Hợp tác xã Thanh long Trung Hòa, huyện Chợ Gạo bày tỏ: “Từ khi chúng tôi liên kết với công ty Cát Tường thì đầu ra ổn định. Chất lượng trái thanh long đạt, có người bao tiêu thì thoải mái, yên tâm hơn, chứ bán ở ngoài thương lái bấp bênh".
Mặc dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, nhưng từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) vẫn thực hiện đúng cam kết bao tiêu sản phẩm thanh long cho xã viên và nông dân các xã lân cận. Tổng sản lượng thu mua hơn 500 tấn; trong đó 80% sản lượng xuất khẩu đi nước ngoài giá cao.
Hiện hợp tác xã liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu thanh long ruột đỏ và ruột trắng có tổng diện tích khoảng 100 hecta. Đội kỹ thuật của HTX đến từng vườn cây hướng dẫn nhà vườn sản xuất thanh long sạch theo chuẩn Việt GAP, hoặc Global GAP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Còn Công ty TNHH VINAXO tại thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) là doanh nghiệp trẻ, mới thành lập vài năm nhưng đã nỗ lực trong chế biến nhiều loại trái cây trong và ngoài tỉnh để đưa đi xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Gần đây, doanh nghiệp đã đầu tư gần 10 tỷ đồng xây nhà máy chế biến trái cây với công nghệ mới có diện tích 4.000m2, tiếp tục nâng cao năng lực chế biến trái cây, giải quyết đầu ra hàng hóa do nông dân làm ra.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH VINAXO cho biết: "Nhà máy trái cây của tôi đang bắt đầu chạy máy, test máy lại. Công ty đang trữ hàng để tháng sau bắt đầu xuất khẩu. Tôi xuất thành phẩm sang Châu Âu, Nga… ".
Tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn quả dẫn đầu cả nước với trên 79.000 ha, với 11 loại cây chủ lực, cho sản lượng mỗi năm trên 1,5 triệu tấn quả. Toàn tỉnh hiện còn có 150 cơ sở thu mua, sơ chế trái cây quy mô vừa và nhỏ, 42 hợp tác xã và tổ hợp tác chuyên kinh doanh trái cây và 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với công suất chế biến hơn 50.000 tấn/năm.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến trái cây vẫn hoạt động dù có giảm công suất do dịch bệnh; cuộc sống nhà vườn vẫn ổn định.
Những nỗ lực, khắc phục khó khăn trước đại dịch covid-19, của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến trái cây, cùng chung tay với nhà vườn tỉnh Tiền Giang để đưa trái cây xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới là điều đáng trân trọng.
Qua đó, ổn định tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, tạo việc làm thu nhập cho công nhân lao động và nhà vườn, phát huy thế mạnh của ngành kinh tế chủ lực đứng thứ 2 trong vùng ĐBSCL.
Nguồn: https://congluan.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-nong-san-vuot-kho-truoc-dai-dich-covid--19-post132380.html
10:28, 09/05/2021
15:53, 06/05/2021
11:00, 06/05/2021