Tiềm năng tăng trưởng của ngành thực phẩm, đồ uống năm 2020?
Cập nhật lúc: 13/01/2020, 07:20
Cập nhật lúc: 13/01/2020, 07:20
Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm - đồ uống rất tiềm năng. Chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống liên tục tăng những trong năm qua.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng của nước ta nằm trong top 3 nước lạc quan nhất toàn cầu. Việt Nam đã vượt qua Indonesia để vươn lên đạt thứ hạng 3 về chỉ số niềm tin tiêu dùng trên thế giới, đứng sau Philippines và Ấn Độ. Tổng thu nhập bình quân mỗi gia đình năm 2023 được dự báo tăng trưởng 42%, đạt 6.566 USD từ mức 4.621 USD năm 2019 theo ước tính của Fitch Solutions.
Theo số liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam VIRAC, trong năm 2018, 4 công ty lớn nhất ngành bia có tổng doanh thu tại thị trường Việt Nam lên tới 75,1 nghìn tỷ đồng. 9 công ty lớn nhất ngành đồ uống không cồn có tổng doanh thu là 52,3 nghìn tỷ đồng.
Với các tiềm năng trên, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp ngoại với hàng loạt các thương vụ chuyển giao, mua bán, sáp nhập giữa doanh nghiệp ngoại và các đơn vị trong nước.
Điển hình là các thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Minh Đạt và mua hơn 47% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt...
Một thương vụ M&A đình đám đã được thực hiện bởi Sabeco và ThaiBev. Đây cũng là thương vụ M&A lớn nhất từ trước đến nay của ngành bia Châu Á với giá trị 4,8 tỷ USD từ việc ThaiBev mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco.
Trước đó, năm 2012, Coca Cola đặt vấn đề hợp tác đầu tư vào Tân Hiệp Phát với số vốn 2,5 tỷ USD. Tại thời điểm đó, đây là thương vụ M&A lớn chưa từng có trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên Tân Hiệp Phát đã có một quyết định gây chấn động là từ chối thương vụ này.
Vậy ngành hàng giải khát Việt Nam có gì hấp dẫn khiến các công ty nước ngoài sẵn sàng đổ nhiều tiền vào như vậy? Đó chính là do nền kinh tế vĩ mô ổn định - điểm tựa vững chãi cho sự tăng trưởng ngành Tiêu dùng (thực phẩm, đồ uống). Lũy kế năm 2019, nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lạc quan trước nhiều suy đoán sẽ có sự sụt mạnh trước đó. Tăng trưởng GDP ghi nhận mức kỷ lục cùng với việc chỉ số PMI vẫn duy trì trên mức 50 điểm trong bối cảnh kinh tế thế giới có phần không thuận lợi (chiến tranh thương mại, căng thẳng địa chính trị).
Xu hướng tăng trưởng chậm lại đang là một điểm sáng của Việt Nam so với khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. GDP tăng trưởng 6,9% - 7,0% trong năm 2019 đánh giá là khả thi và với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho tăng trưởng ngành tiêu dùng – Ngành vốn cũng gắn liền đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Điều này đã dẫn tới kết quả, ngành thực phẩm, đồ uống hiện đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu).
Theo khảo sát của Vietnam Report - công ty tiên phong trong lĩnh vực báo cáo đánh giá xếp hạng doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ tại Việt Nam, ngành thực phẩm – đồ uống được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh đến năm 2020 với mức tăng trung bình 10,9%/năm nhờ thu nhập người dân cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn sẽ chiếm lĩnh thị hiếu tiêu dùng.
Bộ Công Thương ước tính mức tiêu thụ hằng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tiềm năng này Việt Nam đang gặp phải trở ngại khi Nghị định 100/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2020, lực lượng cảnh sát giao thông quyết liệt ra quân toàn quốc để kiểm soát, xử phạt những hành vi vi phạm an toàn giao thông do sử dụng rượu bia. Điều này đã hạn chế rất nhiều việc dùng rượu bia của một bộ phận lớn người dân. Cũng chính vì thế, không ít hàng quán, đại lý chuyên kinh doanh mặt hàng này chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) phân tích, sản lượng tiêu thụ bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức tăng trưởng 2 con số như năm 2019 mà sẽ chỉ vào khoảng 6 - 7% do ảnh hưởng của luật phòng chống tác hại rượu bia.
SSI chỉ rõ, các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia bao gồm: Cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể, cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi và cấm lái xe sau khi uống rượu bia.
Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ gia tăng các chương trình giáo dục cộng đồng để giáo dục cho người tiêu dùng về tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều đố uống có cồn đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.
SSI nhận định rằng điều này sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, trong khi các thương hiệu hàng đầu thị trường như bia Hà Nội, Sabeco và Heineken, những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng, sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngành sản xuất thực phẩm, đồ uống là ngành có triển vọng của nước ta, vì Việt Nam là nước nằm ở khu vực nhiệt đới nóng ẩm, nhiều trái cây, trong khi nhu cầu về đồ uống của người dân rất cao. Ngoài ra, nước ta chưa có nhiều ngành nghề để phát triển nên đương nhiên ngành thực phẩm – đồ uống sẽ chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, khi Nghị định 100/2019 của Chính phủ có hiệu lực, ngành sản xuất và tiêu thụ thực phẩm, đồ uống sẽ có sự thay đổi theo nhiều hướng khác nhau. Thứ nhất, nó có thể làm giảm lượng tiêu thụ trên toàn quốc về rượu bia, bù lại có thể làm tăng lượng tiêu thụ về phi rượu bia (rượu bia không cồn).
Thứ 2, Nghị định này có thể kích thích tăng những ngành mới thay thế rượu bia, tạo những sản phẩm mới. Nó còn làm thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống của quán nhậu, giúp giảm thiểu tai nạn giao thông nhằm giảm những hệ quả xấu có thể xảy ra.
07:20, 02/11/2019
01:53, 06/11/2018
20:45, 01/11/2018