Tiêm chủng không đúng lịch ảnh hưởng thế nào đối với trẻ?
Cập nhật lúc: 15/10/2018, 12:00
Cập nhật lúc: 15/10/2018, 12:00
Ảnh minh họa.
Theo tổ chức Y tế thế giới, lịch tiêm chủng không mang tính ngẫu nhiên. Nó được lập ra dựa vào kết quả vô số nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu trên động vật và thử nghiệm lâm sàng trong nhiều năm nhằm tìm ra ở độ tuổi nào, trẻ có phản ứng miễn dịch tối ưu và do đó có mức bảo vệ tốt nhất, cũng như ở độ tuổi nào trẻ đối mặt với nhiều nguy cơ gặp biến chứng hoặc tử vong nhất khi mắc một trong những bệnh có thể chủng ngừa.
Hiện nay ở nước ta, việc tiêm vaccine phòng bệnh thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ là tự nguyện mà còn được quy định bắt buộc (theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm). Nếu trẻ không được tiêm vaccine phòng bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh đồng thời khi trẻ mắc bệnh là nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều cha mẹ đã trì hoãn việc tiêm phòng cho con. Một trong những nguyên nhân khiến việc tiêm phòng của trẻ không đúng lịch là việc người dân hay tìm đến các loại vaccine dịch vụ, do vaccine dịch vụ hiếm hoi mà nhu cầu lại lớn nên thời gian qua nhiều trẻ đến tuổi không được tiêm vaccine ngừa ho gà, có khi đến 6 tháng - 1 tuổi các bé vẫn chưa được tiêm, trong khi lịch tiêm văc xin này là khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
Việc tiêm vaccine muộn hơn so với khuyến cáo cũng có thể làm khả năng miễn dịch giảm. Trong tiêm chủng thì việc tiêm đầy đủ và đúng lịch rất quan trọng bởi nó tạo được miễn dịch kịp thời, đầy đủ cho các cháu để phòng bệnh. Nếu cha mẹ trì hoãn, trẻ không được bảo vệ và có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm do tiêm chủng chậm.
Bên cạnh đó, một số bà mẹ không đưa con đi tiêm chủng còn vì những lý do như sợ phản ứng sau tiêm chủng cho trẻ, sợ trẻ ốm (mặc dù trẻ không thuộc diện hoãn tiêm), trẻ bị mắc các bệnh khác như sốt, ho, viêm phổi… do không được phòng bệnh đúng cách trong mùa đông xuân (như giữ ấm cho trẻ khi đi lại, cách ly với trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm…) dẫn đến mất cơ hội tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, cha mẹ lại không cho trẻ tiêm bù lại ngay và dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng, đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thêm vào đó, do trẻ di chuyển chỗ ở từ nơi này sang nơi khác song không kịp thời khai báo với cán bộ y tế xã, phường nơi hiện tại mình sống để được tiêm chủng đúng lịch một cách kịp thời.
Với những thông tin trên đây có thể giúp các bậc cha mẹ trả lời được câu hỏi trẻ em tiêm phòng muộn có sao hay không cũng như ý thức được tính nghiêm trọng của việc không đem trẻ đi đúng thời gian. Việc đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch là hết sức quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ cũng như phòng chống các loại bệnh lý liên quan đến truyền nhiễm.
M.H (th)